Khu vực Mẹ Suốt (phường Hoà Khánh Nam, quận Liên Chiểu) được xem là “rốn lũ” của Đà Nẵng mỗi khi có mưa lớn. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, người dân ở đây đã phải 3 lần chạy lũ trong đêm. Trận mưa ngày 7/11 khiến nước tiếp tục tràn vào nhà dân, có nơi ngập sâu hơn 1m, người dân hối hả sơ tán giữa đêm.
Vẫn còn khá mệt sau đêm trắng hỗ trợ bà con ở vùng ngập sâu của Đà Nẵng, anh Hồ Ngọc Thanh - Chủ nhiệm CLB “Chuyến xe vạn tình 0 đồng Đà Nẵng” tâm sự, khoảng 2h sáng anh mới về đến nhà. Đêm qua, ngay thời điểm nước lên, nhóm của anh đã tức tốc gọi nhau lên đường.
21h đêm, nhóm gồm 3 người đã có mặt tại khu vực đường Mẹ Suốt, mang xuồng, lội vào tận nhà dân để tiếp tế đồ ăn, nước uống, cũng như hỗ trợ di tản tài sản đến nơi an toàn. Đây không phải là lần đầu tiên anh có mặt tại “điểm nóng” ngập lụt này.
“Chúng tôi vào tận ngõ, hẻm xem có ai cần hỗ trợ gì thì hỗ trợ. Trận mưa ngày hôm qua tuy không trầm trọng như những lần trước nhưng cũng khiến khu vực Mẹ Suốt bị ngập nặng, nhiều nơi ngập nước đến bụng, có nơi nước lên đến tận ngực”, anh Thanh chia sẻ.
Anh Thanh cho biết, chiều qua, ngay khi nhận được cuộc gọi nhờ hỗ trợ của người dân khu vực bị ngập lụt và qua theo dõi chỉ số mực nước báo động, anh đã nhắn các anh em trong nhóm thiện nguyện sẵn sàng lên đường ngay để giúp bà con: “Nghe thông tin nước dâng lên từ chiều, lo bà con bị đói vì không kịp ăn tối nên chúng tôi đã nhanh chóng chuẩn bị được 100 suất ăn, gồm sữa, xúc xích, mì tôm…để phát cho bà con”.
Trong đợt ngập lụt trước đó vào ngày 13/10, anh cũng đã cùng lực lượng chức năng tiếp ứng hỗ trợ bà con, đưa hàng chục người già, trẻ nhỏ bị mắc kẹt đến nơi an toàn. Đồng thời, huy động nhà hảo tâm tổ chức nấu cơm, chèo xuồng đến tận nhà phát cho từng hộ.
“Lần gần đây nhất là ngày 13/10, nhóm đã hỗ trợ hai bà cháu ở kiệt Hoàng Văn Thái bị mắc kẹt. Đây là gia đình đã đăng thông tin kêu cứu lên mạng xã hội lúc nửa đêm. Trước đó, chính quyền đã yêu cầu người dân di chuyển nhưng nhiều gia đình chủ quan vì có gác nên cố bám trụ.
Khi đến ứng cứu, nước ở đây đã dâng lên tới cổ tôi, mất điện tối om, chúng tôi phải rất vất vả mới đưa được hai bà cháu ra ngoài. Trong đêm đó, chúng tôi cũng đã tham gia cùng lực lượng chức năng hỗ trợ 12 người trong một gia đình di tản đến nơi an toàn”, anh Thanh kể.
Do dầm mình thường xuyên trong nước ngập nên anh hay gặp phải vấn đề là về da, có những đợt da bị nước ăn lở loét, điều trị gần cả tuần mới khỏi.
Kể lại kỷ niệm đáng nhớ nhất hỗ trợ bà con ngập lụt, anh Thanh cho biết, trong đợt mưa lũ lịch sử ở Đà Nẵng vào ngày 14/10 năm ngoái, 14h chiều nhóm của anh tập trung xe bán tải, đưa xe máy và người dân ra khỏi khu vực đường Hàm Nghi đang bị ngập sâu. Chiếc xe hoạt động hết công suất, đến lúc nước ngập quá sâu cũng bị chết máy.
“Lúc này điện thoại của tôi có hơn 100 cuộc gọi cầu cứu từ người dân. Từ trung tâm quận Hải Châu, chúng tôi quyết định bỏ ô tô lại, đi bộ đến quận Liên Chiểu để giúp bà con. Chúng tôi phải lội qua nhiều dòng nước sâu, chảy xiết.
Ở những khu vực ngập sâu, chúng tôi dùng xuồng hơi để di chuyển. Chỗ nào không dùng xuồng được thì anh em lại vác xuồng đi bộ. Mất 3 giờ, vượt qua nhiều cam go, cuối cùng cả nhóm cũng lên đến nơi. Tôi nhớ, trong đêm đó tôi đã cùng bộ đội ứng cứu được 6 cháu bé, 8 người lớn ra khu vực an toàn”, anh Thanh nhớ lại.
Mỗi lần Đà Nẵng xảy ra ngập sâu, mọi người lại thấy anh và nhóm lên đường. Dù có kinh nghiệm sau nhiều lần hỗ trợ bà con vùng ngập song mọi người không khỏi lo lắng. Trên trang cá nhân của anh, rất nhiều người dặn dò anh cẩn thận, cầu chúc anh bình an.
Nhưng anh Thanh cho biết, các anh em tham gia hỗ trợ đều là thành viên của nhóm chèo SUP, đều là dân biển nên có kỹ năng bơi lội. Mỗi lần tham gia ứng cứu, nhóm luôn trang bị đầy đủ những vật dụng cần thiết như áo phao, xuồng, dây cứu nạn…
“Chỉ cần bà con gọi, bất kể ngày đêm chúng tôi không ngại ngần gì, sẵn sàng lên đường hỗ trợ ngay”, anh Thanh quả quyết.