Bộ GTVT vừa kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Trong đó, Bộ đề xuất kiểm soát việc doanh nghiệp phát triển đội bay, để phù hợp với hạ tầng hàng không cũng như năng lực giám sát an toàn hàng không của cơ quan quản lý nhà nước.
Theo Bộ GTVT, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam hiện nay còn một số bất cập trong đó có quy định về phát triển đội bay của các hãng hàng không Việt Nam, dẫn đến việc doanh nghiệp đầu tư máy bay vượt năng lực giám sát an toàn hàng không của cơ quan quản lý.
Vì vậy, cơ quan quản lý có trách nhiệm thông báo, cảnh báo về khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng, năng lực giám sát an toàn khai thác máy bay để các hãng hàng không có căn cứ rà soát, chủ động thực hiện kế hoạch của mình…
Góp ý nội dung trên, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet cho rằng, việc kiểm soát kế hoạch đặt mua máy bay của các hãng hàng không hiện nay là chưa phù hợp với xu hướng hội nhập kinh doanh của Việt Nam trên thị trường thế giới. Đồng thời quy định này cũng mâu thuẫn với quy định của pháp luật Việt Nam đối với quyền của doanh nghiệp. Cụ thể ở đây là hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp theo Điều 7 Luật Doanh nghiệp, Khoản 2 Điều 5 Luật Đầu tư.
“Việc mua máy bay của Vietjet ngoài phục vụ mục đích phát triển đội bay tự khai thác còn cho mục đích kinh doanh dưới hình thức bán và thuê lại máy bay. Đây là hình thức kinh doanh thông lệ trên thế giới và được pháp luật cho phép…”, Vietjet lý giải thêm.
Ngoài ra, Vietjet cho rằng việc mở rộng đội bay còn nhằm đáp ứng việc hỗ trợ mạng bay quốc tế và tham gia hợp tác liên danh - codeshare với các hãng hàng không khác, hoạt động này nằm trong quyền lợi chính đáng của các hãng hàng không đã được công nhận.
Trong khi đó đại diện Vietnam Airlines, cho rằng quy định trên là hợp lý, để cơ quan quản lý nhà nước thuận lợi trọng việc điều tiết đội bay cũng như phù hợp với năng lực và quy hoạch phát triển hàng không.
Với các ý kiến trên, đại diện Bộ GTVT, cho rằng nội dung chính sách chỉ hướng đến hoạt động của đội bay khi trực tiếp đưa vào khai thác có ảnh hưởng đến việc giám sát an toàn hoạt động bay và việc sử dụng, phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay.
“Doanh nghiệp vẫn hoàn toàn chủ động việc mua đi, bán lại, cho thuê theo hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê, cho thuê, nếu không đưa máy bay vào khai thác trực tiếp, không sử dụng kết cấu hạ tầng...”- đại diện Bộ GTVT lý giải.