Công nghệ của công ty này dựa trên ý tưởng có từ hơn nửa thế kỷ trước của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), đó là tái sử dụng khí CO2 do các phi hành gia thải ra trong không gian kín của tàu con thoi để chế biến thành thực phẩm phục vụ lại cho chính những phi hành gia này.
Để tạo ra loại thịt từ không khí, Air Protein đã dựa vào vi khuẩn hydrogenotrophic, loại vi khuẩn có thể tổng hợp ra tế bào sợi từ khí CO2. Quá trình chuyển hóa này cũng gần giống quá trình lên men làm sữa chua hoặc ủ men bia.
Theo đó, với các bình ủ men có vi khuẩn, các nhà khoa học đưa vào đó khí CO2 cùng với nước và nhiều khoáng chất. Sản phẩm thu được là loại bột màu nâu nhạt chứa đến 80% protein nhưng không có mùi vị.
Từ nguyên liệu này, sau khi pha chế với những thành phần khác, nhà sản xuất có thể làm ra nhiều thực phẩm khác nhau như thịt lợn, thịt gà tây, bánh protein, nhân thịt cho bánh hamburger…
Trước khi nấu, loại thịt do Air Protein có hình dạng bột. |
Air Protein khẳng định phát minh của họ sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong phương thức sản xuất thực phẩm trong tương lai bởi do sản xuất trong bình chứa nên không lệ thuộc vào điều kiện đất đai, nguồn nước và điều kiện thời tiết như cách con người đang nuôi trồng hiện nay.
Xét về mặt dinh dưỡng, loại thịt từ không khí này được tạo thành với 9 axit amin chính yếu như của "thịt thật". Chưa kể loại thịt của Air Protein còn chứa nhiều vitamin như B12, hơn hẳn các loại "thịt chay" có thể gây thiếu chất cho những người chọn chế độ ăn chay.
Air Protein dự kiến đưa vào thị trường loại thịt này vào năm 2020.
(Theo CNET/ Livescience/ Viet Q)