Ngòi Nhầu là thôn đặc biệt khó khăn của xã Bảo Ái, huyện Yên Bình. Toàn thôn có 123 hộ dân với 539 nhân khẩu. Dù chỉ cách trung tâm xã Bảo Ái chưa đầy 4 km, nhưng vài năm trước đây là thôn "lõm sóng” di động. Những người dân ở đây phải đối mặt với nhiều khó khăn khi điện thoại di động không thể kết nối mạng, Internet không thể truy cập. Nhưng giờ đây, cuộc sống của họ đã có nhiều đổi thay.
Ông Triệu Văn Hoành - Trưởng thôn Ngòi Nhầu hãnh diện nói về những cái mới, cái chuyển biến ở thôn: "Trước đây, mỗi khi thôn hay xã có việc, tôi đều phải cất công đi đến từng nhà để thông tin. Nếu có việc cấp bách, phải trèo lên đồi mới có thể "hứng sóng” gọi được điện thoại. Giờ thì khác, mọi người trong thôn đều có thể dùng điện thoại di động bất cứ lúc nào, ngay cả trong nhà, vì vậy công việc của tôi cũng như của mọi người, mọi nhà trong thôn đã thuận lợi hơn rất nhiều. Đó là nhờ vào sự nỗ lực của xã, của huyện, của tỉnh và của các doanh nghiệp viễn thông trong việc xóa vùng "lõm sóng” cho thôn”.
Theo người dân thôn Ngòi Nhầu, tháng 2/2023, Viettel Yên Bái đã vào khảo sát và lắp đặt Trạm thu phát sóng di động (BTS). Sau 3 tháng thi công, tháng 5/2023, trạm BTS thôn Ngòi Nhầu chính thức đi vào hoạt động. Không chỉ phủ sóng di động 2G mà sóng 3G, 4G cũng đã hiện diện tại đây.
Trưởng thôn Ngòi Nhầu khoe: "Có sóng di động, ngày nào vợ chồng tôi cũng điện thoại được cho con trai đang làm việc ở Bắc Giang để nói chuyện. Từ ngày có mạng 4G, tôi còn mua thêm chiếc điện thoại thông minh để gọi điện bằng Zalo, Facebook, có thể nhìn thấy mặt con, nói chuyện trực tiếp với con. Có mạng, không chỉ giúp giải tỏa nỗi nhớ con mà tôi còn tìm hiểu những kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi qua điện thoại để áp dụng vào thực tế phát triển kinh tế gia đình”. Nhờ có sóng di động băng rộng, việc giao thương phát triển kinh tế của người dân thôn Ngòi Nhầu cũng thuận hơn.
Anh Bàn Văn Si, thôn Ngòi Nhầu phấn khởi bộc bạch: "Nhà tôi trồng được 8 ha quế, trước phải bóc quế mang đi bán hoặc phải chờ tư thương đến hỏi mua. Nhưng từ khi được phủ sóng di động thì chỉ cần gọi điện thương lái vào tận nhà thu mua; có sóng, có mạng tiện trăm bề. Mới tuần trước tôi vừa bán ít quế, thu được mấy chục triệu đồng, xe quế chưa ra khỏi cổng thì tiền đã chuyển khoản "tinh tinh” về túi, vừa tiện lại an toàn, không như trước kia bán quế, tôi cầm tiền mặt mà lo ngay ngáy, mắt trước mắt sau là phải phi ngay xuống huyện "bỏ” vào ngân hàng”.
Cũng theo Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ngòi Nhầu Triệu Văn Hoành: Từ ngày được phủ sóng điện thoại, việc thông tin liên lạc trong thôn dễ dàng hơn, nhiều gia đình làm ăn đã khấm khá. Từ một thôn đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo cao, thì đến nay thôn chỉ còn 13 hộ nghèo và 9 hộ cận nghèo. Mỗi nhà đều có đến 2 chiếc điện thoại thông minh để dùng. Kinh tế khá giả, người dân cũng đã quan tâm hơn đến xây dựng nếp sống văn hóa văn minh, tích cực tham gia vào các phong trào thi đua của địa phương.
Niềm vui của người dân và diện mạo mới của thôn Ngòi Nhầu cũng như nhiều thôn, bản trên địa bàn tỉnh đã được phủ sóng điện thoại di động. Sóng điện thoại về với thôn, bản vùng cao không chỉ mang đến ánh sáng văn hóa mà còn xóa dần đi khoảng cách giàu nghèo, trình độ dân trí giữa những vùng sâu, vùng xa với khu vực đồng bằng, đô thị. Hơn nữa, đây là điều kiện để các thôn, xã sớm thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn.
Tính riêng trong năm 2023, tỉnh Yên Bái đã xoá 5 thôn "trắng sóng” di động; xoá 48/124 vùng "lõm sóng”; xóa 27/52 thôn chưa có Internet cố định băng rộng. Triển khai hạ tầng Internet băng rộng cố định đến 896/1.161 nhà văn hoá các thôn, bản, tổ dân phố; hoàn thành việc lắp đặt, phát sóng và đưa vào sử dụng thêm 2 trạm phát sóng 5G trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện công tác chuyển đổi số, những năm qua hạ tầng mạng viễn thông, hạ tầng số đã và đang được tỉnh quan tâm đầu tư phát triển với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, việc ký thỏa thuận hợp tác với các Tập đoàn VNPT và Tập đoàn Viettel cũng đã phát huy hiệu quả tích cực; tỉnh Yên Bái đã được các tập đoàn quan tâm phân bổ nguồn đầu tư để phát triển hạ tầng tại các vùng khó khăn.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nguyễn Thúc Mạnh cho biết: "Việc xóa vùng "trắng sóng”, "lõm sóng” di động và khắc phục thôn chưa có Internet cố định băng rộng được Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh xác định là nhiệm vụ ưu tiên số 1 trong phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi số. Do đó, Sở đã rà soát danh sách cụ thể đến từng thôn; chỉ đạo, điều phối, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn, đồng thời đồng hành tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hạ tầng”. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên, do địa hình đồi núi nên đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn 13 thôn "trắng sóng” di động và 39 thôn có vùng "lõm sóng”.
Theo khảo sát của các nhà mạng, đa số bản "trắng sóng”, các khu vực "lõm sóng” trên địa bàn tỉnh hiện đều là những nơi khó khăn, có địa hình phức tạp, điều kiện hạ tầng giao thông đi lại khó khăn, mật độ dân cư thấp; nhu cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet không lớn nên doanh thu tại các khu vực này rất thấp.
Trong khi đó, chi phí đầu tư hạ tầng cung cấp các dịch vụ viễn thông, Internet khá cao, từ khoảng 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/trạm BTS tùy loại trạm; khoảng 500 triệu đồng/km tuyến truyền dẫn. Chính vì vậy, trong đầu tư mạng lưới xóa vùng "lõm sóng”, các doanh nghiệp cần rà soát, đánh giá hiện trạng và cân đối nguồn lực nhằm đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ bản còn gặp một số vướng mắc.
Từ thực tế này, với quyết tâm cao, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh không còn thôn có điện mà "trắng sóng”; 100% thôn có sóng di động băng rộng 4G; khắc phục 100% vùng "lõm sóng” di động 4G; 100% huyện, thị xã, thành phố có sóng 5G và 100% thôn có Internet cố định băng rộng. Để sớm hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh và các doanh nghiệp viễn thông đang tích cực tập trung nguồn lực đầu tư các trạm BTS để phủ sóng điểm còn "lõm sóng”. Dự kiến năm 2024 sẽ đầu tư 149 trạm BTS; mở thêm khoảng 15.000 cổng Internet cố định băng rộng với kinh phí trên 71 tỷ đồng.
Dẫu còn nhiều khó khăn, song với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp; các sở, ban, ngành chức năng và các doanh nghiệp viễn thông, sóng điện thoại di động, sóng điện thoại di dộng băng rộng sẽ được phủ sóng đến tất cả các thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn trong thời gian tới, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trong tỉnh.
Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được phủ cáp quang băng rộng; dịch vụ mạng di động 4G được phổ cập với 2.554 trạm phát sóng đảm bảo 100% khu vực trung tâm xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có dịch vụ di động băng rộng và 99,04% số thôn, bản, tổ dân phố được phủ sóng di động (1.343/1.356 thôn, bản, tổ dân phố), 97,1% thôn, bản được phủ sóng 4G.
Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng dịch vụ Internet đường truyền băng rộng cáp quang đạt 62%. Mạng di động 5G được lắp đặt, triển khai tại 3 địa phương là thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Yên. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng dịch vụ truyền hình và các nền tảng số có trả phí đạt 49%.
Theo Thu Hiền (Báo Yên Bái)