Theo giáo sư Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế, nếu sử dụng sản phẩm chế biến từ chim yến lưu giữ trong điều kiện đông lạnh, ẩm thấp thì nguy cơ nhiễm bệnh có thể cao hơn.

Các tin liên quan

Sợ H5N1, người dân ngại dùng các sản phẩm từ yến

Chim yến chết hàng loạt vì cúm H5N1

Từ cuối tháng 3 đến nay, đã có hơn 4.000 con chim yến - trong tổng số hơn 100.000 con - nuôi tại Công ty cổ phần Yến Việt, đường Thống Nhất, TP Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận đột ngột chết lăn quay. Sau 3 lần xét nghiệm, kết quả cho thấy chúng dương tính với virus H5N1 - là loại virus gây bệnh chủ yếu ở gia cầm.

Đến tối ngày 10/4, Trung tâm Thú y vùng VI đã nhận thêm nhóm mẫu để kiểm tra, gồm chim sống, phân và tổ yến. Tuy nhiên, Công ty cổ phần Yến Việt bác bỏ thông tin nguyên nhân chim chết do bệnh, mà do nắng nóng khiến chúng kiệt sức.

{keywords} 

Theo khảo sát, tỉnh Ninh Thuận hiện có 54 hộ nuôi chim yến, đa số tại TP Phan Rang - Tháp Chàm. Hầu hết đều dùng tầng thượng của ngôi nhà - hoặc làm nhà nuôi chim yến ngay trong khu dân cư với diện tích bình quân từ 50 - 300 m2 mỗi hộ. Do nhà chim nằm trên cao, chim tự do ra vào nên nếu xảy ra dịch thì rất khó kiểm soát.

Về mặt dịch tễ, cúm A/H5N1 có thể gây bệnh cho người tiếp xúc với vật nuôi, và được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá là loại cúm nguy hiểm. 50% bệnh nhân tử vong khi bị nhiễm loại cúm này. Tuy nhiên, cũng như những loại virus gây bệnh cúm khác, virus A/H5N1 khi ở trong môi trường bình thường, nhiệt độ từ 25 đến 30 độ C - đặc biệt là trên 35 độ C thì trong khoảng 24 giờ, chúng sẽ chết. Còn nếu đun sôi ở nhiệt độ 70 độ C, 30 phút sau chúng chết.

Theo giáo sư Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế, trong điều kiện ẩm, nhiệt độ thấp, virus cúm H5N1 tồn tại nhiều ngày nhưng khi ra môi trường bên ngoài, nó thường chết khá nhanh. Nếu đun trên 60 độ C, virus sẽ chết trong vòng một giờ. Vì thế, sự tồn tại của virus này sẽ tùy thuộc từng loại sản phẩm chế biến từ chim yến. Nếu sử dụng sản phẩm lưu giữ trong điều kiện đông lạnh, ẩm thấp thì nguy cơ nhiễm bệnh có thể cao hơn.

"Vì thế, người dân có thể sử dụng các sản phẩm chế biến từ chim yến đã được xử lý qua nhiệt kỹ", giáo sư Huấn khuyên.

Cục trưởng Thú y (Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn) Phạm Văn Đông hôm qua cũng cho biết kết quả xét nghiệm 45 mẫu tổ yến đều âm tính với virus H5N1.

Theo bà Đặng Phạm Minh Loan, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Yến Việt - chủ cơ sở Thanh Bình, nơi đây là trung tâm bảo tồn chim yến của tỉnh Ninh Thuận quy mô lâu đời và lớn nhất Đông Nam Á. Đàn chim nuôi tại rạp Thanh Bình ước tính có giá trị khoảng 5 triệu USD, đem lại nguồn thu mỗi năm hơn 10 tỷ đồng.

Đại diện Công ty cổ phần Yến Việt cho biết, hiện tình hình chim chết đã chấm dứt và toàn bộ 10 mẫu chim lấy tại đây xét nghiệm từ ngày 16/4 đến nay đều cho kết quả âm tính với virus H5N1. Công ty phối hợp cùng Cơ quan Thú y vùng VI và Chi cục Thú y Ninh Thuận tiến hành tiêu độc, khử trùng cho cơ sở Thanh Bình.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định nguy cơ dịch cúm gia cầm vẫn đang lây lan trong đàn chim yến. Nguy cơ dịch lan sang các địa phương khác nằm trên đường chim đi kiếm ăn là rất lớn (chim mắc bệnh chết và rơi xuống địa bàn hoặc virus từ chất thải của chim).

Vì thế, Bộ đã có văn bản yêu cầu các địa phương phổ biến, tuyên truyền sâu rộng cho người dân trong khu vực về cách phòng chống dịch bệnh lây sang người và động vật khác. Các cơ sở nuôi chim yến phải thường xuyên giám sát tình trạng sức khỏe của đàn chim.

Trường hợp có gì khác thường phải báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y để xử lý kịp thời. Cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm định kỳ, đột xuất tại các cơ sở nuôi. Tất cả tổ yến được khai thác tại các cơ sở, địa phương đã công bố dịch phải được xử lý nhiệt trước khi đưa ra khỏi cơ sở nuôi nhằm tiêu diệt mầm bệnh.

(Theo VnMedia)