5 trong số 12 đại án tham nhũng, kinh tế mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã yêu cầu kết thúc điều tra, truy tố, xét xử trong năm 2017 đều dính đến ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (tiền thân là ngân hàng Đại Tín).

Hành trình “dính” vào đại án của nữ đại gia

Hứa Thị Phấn - được biết đến với cái tên Sáu Phấn, là nữ đại gia đại diện của nhóm cổ đông Phú Mỹ, sở hữu gần 85 % cổ phần của ngân hàng Đại Tín (TrustBank). Trong quá trình điều hành TrustBank, nhóm cổ đông này đã khiến ngân hàng này rơi vào tình trạng âm 2.854 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và lỗ lũy kế 6.061 tỷ đồng. Sau đó, bà Phấn và nhóm cổ đông chuyển nhượng cổ phần cho nhóm cổ đông mới là Thiên Thanh do ông Phạm Công Danh làm đại diện... Dưới “triều đại” của Phạm Công Danh, TrustBank được đổi tên thành ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB)...

Vào tháng 9/2016, tại phiên toà xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm, HĐXX TAND TP Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” để điều tra hành vi vi phạm pháp luật của bà Hứa Thị Phấn, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT, thành viên Hội đồng tín dụng Trustbank và một số cá nhân khác.

{keywords}

Có tới 5 đại án xoay quanh hành vi phạm tội của Hứa Thị Phấn, Phạm Công Danh.

Kết quả điều tra bước đầu, ngoài hành vi sử dụng 29 cá nhân đứng tên vay tiền thế chấp tài sản có giá trị thấp hoặc không thế chấp tài sản để lấy tiền ngân hàng góp vốn cổ phần và sử dụng, Cơ quan CSĐT Bộ Công an còn xác định nhóm bà Phấn có hành vi chỉ đạo giải ngân, hạch toán thu chi khống 4.944 tỷ đồng tại Trustbank. Số tiền này được dùng để tất toán nợ cũ của nhóm bà Phấn nhưng lại ghi nợ cho nhóm đối tượng khác, gây thiệt hại cho Trustbank…

Ngày 24/3 vừa qua, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã khởi tố bị can, thi hành lệnh khám xét đối với bà Hứu Thị Phấn và 5 đồng phạm về hành vi “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 165 Bộ luật Hình sự.

Thổi giá bất động sản, rút ruột hơn 1 nghìn tỷ đồng

Về hành vi vi phạm pháp luật của ông Hoàng Văn Toàn, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng Đại Tín, HĐXX TAND TP Hồ Chí Minh xác định: Hội đồng tín dụng ngân hàng Đại Tín gồm ông Hoàng Văn Toàn và các thành viên khác tham gia duyệt cấp tín dụng 2 hồ sơ vay của Cty Đại Hoàng Phương và Cty Thịnh Quốc tổng số tiền 650 tỷ đồng không đúng quy định, gây thiệt hại trên 470 tỷ đồng.

Sau một thời gian củng cố hồ sơ, chứng cứ, ngày 10/1/2017, CQĐT đã khởi tố bị can, bắt giam ông Hoàng Văn Toàn và Trần Sơn Nam, nguyên Tổng giám đốc ngân hàng Đại Tín để điều tra về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngoài sai phạm nêu trên, ông Toàn, Nam và một số cá nhân (trong đó có bà Phấn) còn có hành vi mua, nâng giá bất động sản tại số 5 Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TPHCM lên gấp 8 lần giá trị thị trường sau đó bán cho Trustbank để “rút ruột” tiền, gây thất thoát hơn 1.000 tỷ đồng.

Cũng trong quá trình xét xử đại án xảy ra tại VNCB, HĐXX đã công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra hành vi đồng phạm của Trang “Phố Núi” với Phạm Công Danh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo HĐXX, Trang “Phố Núi” là người giúp sức tích cực cho Danh trong việc tìm kiếm nguồn tiền “chi chăm sóc khách hàng” trái quy định. Đồng thời, Trang là người giúp sức cho Phạm Công Danh rút hơn 63 tỷ đồng thông qua “dự án” nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại cho VNCB. Ngoài ra, Phạm Thị Trang còn có hành vi giúp sức cho Phạm Công Danh và các đồng phạm rút 5.490 tỷ đồng nhưng chứng từ không có chữ ký của chủ tài khoản, gây thiệt hại số tiền này cho VNCB… Khi Phạm Công Danh bị đưa ra xét xử, Trang Phố Núi đã xuất cảnh sang Mỹ.

Cán bộ NHNN rơi vào “vòng xoáy”

Tháng 5/2013, Tập đoàn Thiên Thanh của Phạm Công Danh cùng một số cổ đông tham gia góp vốn và tái cấu trúc TrustBank, đổi tên thành VNCB. Sau khi tái cấu trúc, ngân hàng này bị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đặt vào tình trạng kiểm soát và mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên phải có ý kiến của Tổ giám sát NHNN đặt tại đây.

Mặc dù bị đặt trong tình trạng kiểm soát, nhưng trong thời gian là Chủ tịch HĐQT VNCB, Phạm Công Danh và các đồng phạm vẫn thực hiện lập các hồ sơ khống để rút tiền, vay tiền của VNCB nhằm trả các khoản nợ, trả lãi ngoài và chi tiêu cá nhân, gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 9.000 tỷ đồng…

Trong giai đoạn II của vụ án xảy ra tại VNCB, CQĐT không chỉ tập trung làm rõ hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” của 4 thành viên tổ giám sát NHNN đặt tại VNCB gồm: Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân và Ngô Văn Thanh, mà còn làm rõ hành vi “Vi phạm quy định về cho vay,... ; Cố ý làm trái...” xảy ra tại 3 ngân hàng (về hành vi rút hơn 6.630 tỷ đồng của VNCB đem gửi tại 3 ngân hàng, nhằm bảo lãnh 29 lượt vay của các Cty của ông Danh).

(Theo Tiền phong)