Dù chưa hoàn toàn được công nhận nhưng video game đã trở thành một ngành công nghiệp từ khá lâu và đem về những khoản doanh thu khổng lồ cho các công ty kinh doanh trong lĩnh vực này. Khi đã trở thành một ngành công nghiệp, được thương mại hóa, chuyên nghiệp hóa thì chiến lược quảng cáo marketing cho các sản phẩm game là không thể thiếu.

Marketing đóng góp một phần không nhỏ vào sự thành công của game hay bất kỳ một sản phẩm thương mại nào. Nhưng cũng có những chiến lược quảng cáo có ý tưởng khá tệ hại, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của game. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng nhìn lại 10 chiến lược marketing "thất bại" nhất.

1. Skyrim

Chiến lược: Tựa game bom tấn Skyrim của Bethesda được tung ra vào 11/11/2011. Nhưng dường như sự đặc biệt của ngày phát hành này vẫn chưa đủ gây ấn tượng với các nhà phát triển của Bethesda. Để tạo nên một điều gì đó đột phá hơn, họ đã nghĩ ra một chiến lược khá "dị".

Đó là sẽ hỗ trợ trọn đời áp dụng với tất cả những tựa game hiện tại và trong tương lai của Bethesda cho bất kỳ gia đình nào đặt tên con là "Dovahkiin", có nghĩa là "Dragonborn - sự ra đời của rồng". Và đứa trẻ này phải sinh đúng ngày phát hành của Skyrim là 11/11/11. 

Có lẽ Bethesda đã quá tự tin vào chiến lược quái gở của mình, họ nghĩ rằng điều kiện này khó ai mà thực hiện được.

Kết quả: Không lâu sau khi chiến dịch quảng cáo này được công bố rộng rãi, một cặp đôi đã đạt đầy đủ các điều kiện của Bethesda, và hãng này đành ngậm ngùi thực hiện lời hứa của mình.

2. Homefront

Chiến lược: Tựa game FPS này của nhà phát hành THQ nói về sự thống nhất của 2 miền Triều Tiên thành một nước Cộng Sản và cùng nhau tấn công Mỹ, một "kịch bản" có lẽ sẽ không bao giờ xảy ra ngoài đời thực. Và THQ đã nảy ra một ý tưởng khá "liên quan" là thả hàng trăm quả bóng bay màu đỏ, màu đại diện cho Chủ Nghĩa Cộng Sản lên bầu trời San Francisco.

Kết quả: Những quả bóng bay "đáng yêu" này đã bị xì hơi từ khá sớm và rơi xuống ngay trong vịnh. THQ đã phải gửi các đội đến dọn dẹp hiện trường ngay sau đó trước khi bị chính quyền thành phố xử phạt. Tệ hại hơn là việc quá nhiều xác bóng nổi lềnh bềnh trên mặt biển có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của cá heo ở đây.

3. Zynga

Chiến lược: Hãng phát triển game trên Facebook nổi tiếng này cũng không chịu thua kém THQ, thay vì thả bóng bay ở San Francisco thì họ lại rải tiền ở New York. Như một hình thức viral-marketing (quảng cáo truyền miệng), Zynga đã gián những tờ dollar giả khắp các vỉa hè ở New York.

Được biết vào thời điểm tung ra chiến dịch quảng cáo này, 2 tựa game trên Facebook của hãng này là Mafia Wars Farmville đã có hàng triệu người chơi. Nhưng nó vẫn chẳng có chút gì liên quan đến chiến dịch "rải tiền" của Zynga

Kết quả: Cùng chung số phận như những quả bóng bay ở San Francisco, những tờ dollar giả này cũng bị gỡ bỏ không lâu sau đó bởi bộ phận vệ sinh môi trường. Việc dán các tờ quảng cáo trên đường phố New York là bất hợp pháp.

4. God of War 3

Chiến lược: Khi God of War 3 được tung ra thị trường, để kỷ niệm ngày này, Sony đã tổ chức một bữa tiệc ở Hy Lạp. Ngoài rượu, thức ăn và những tiết mục được biểu diễn bởi các vũ công thường thấy ở các bữa tiệc, không hiểu là do có chủ ý hay chỉ vô tình mà còn có sự xuất hiện của một con dê... bị chặt đầu!

Kết quả: Đây là món chính của bữa tiệc, thịt dê. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ nhà tổ chức lại "trưng bày" con dê ở trung tâm của bữa tiệc, có lẽ là để thể hiện tính chất có phần "đẫm máu" của God of War 3. Nhưng thật không may vì buổi tiệc này lại có sự tham gia của những nhà hoạt động bảo vệ động vật và Sony đã phải nhận rất nhiều lời chỉ trích từ vụ việc này. Con dê ngay lập tức đã bị chuyển đi, trả lại cho người đã thực hiện màn "khai đao".

5. Splinter Cell: Conviction

Chiến lược: Tựa game hành động từng làm mưa làm gió một thời này lại có chiến lược quảng cáo "kịch tính" hơn rất nhiều, đúng với thể loại của nó. Bạn thử tưởng tượng khi đang ở trong một quán bar và thưởng thức bia cũng những người bạn. Bỗng có một người đàn ông xông vào và giơ khẩu súng lên với cánh tay bị băng bó của mình. Anh ta bắt đầu đi lại trong quán bar và đe dọa từng người với khẩu súng của mình. 

Sự lo lắng bắt đầu chuyển sang hoàng loạn khi anh ta tiến gần tới phía bạn, và bắt đầu... quảng cáo cho Splinter Cell: Conviction! Anh ta là một diễn viên trong chiến lược quảng cáo cho game của Ubisoft.

Kết quả: Nhưng anh chàng này đã mang một khẩu súng giả để làm đạo cụ diễn trong quán bar. Và ai đó đã kịp gọi lực lượng hỗ trợ khẩn cấp. Và như bạn đã thấy trong các bộ phim hành động, khi cảnh sát đến, họ không cần biết rằng bạn đang cầm súng thật hay giả cho đến khi bạn nằm úp mặt xuống sàn. Những anh chàng này cũng khá may mắn khi chỉ bị cảnh cáo chứ không bị lôi về phường.

6. Mercenaries 2

Chiến lược: Mercenaries 2: World in Flame được tung ra ở Venezuela với phần lớn nội dung nói về ông trùm khí đốt. Cốt truyện này đã mở ra rất nhiều ý tưởng cho bộ phận marketing. Và họ đã quyết định thực hiện một chiến lược quảng cáo khá "hào phóng", đó là thiết lập các trạm cung cấp gas miễn phí ở 2 thành phố lớn Los Angeles London

Hãy thử tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra ở các trạm cung cấp gas này vào giờ cao điểm.

Kết quả: có lẽ ai cũng có thể được hình dung trả lời. Hàng ngàn người đã đổ xô về các trạm này để được nhận gas miễn phí, cảnh tượng vẫn thường thấy ở các siêu thi trong đợt siêu giảm giá. Lưu lượng phương tiện ngày càng nhiều và hệ quả là tắc nghẽn giao thông. Các nhà chức trách sau đó đã phải đóng cửa các trạm này để các con đường được lưu thông trở lại.

7. Resident Evil 6

Chiến lược: Chúng ta đã được thấy chiến lược quảng cáo của các tựa game bắn súng, hành động, nhập vai. Còn với thể loại kinh dị thì sao? Capcom sẽ cho bạn thấy ngay bây giờ. Trong chiến dịch nhằm marketing cho Resident Evil 6 của mình, Capcom đã mở một vài cửa hàng thịt đặc biệt với tên gọi "Wesker & Son Resident Evil Human Butchery".

Đương nhiên sẽ không thể nào có thịt người thật nhưng theo một cách nào đó thì đúng như vậy. Cửa hàng này bán những miếng thịt có hình dáng giống các chi của người.

Kết quả: Về ý tưởng, chiến dịch này khá "ăn nhập" với sự kinh dị của Resident Evil 6. Về mục đích, Capcom muốn sử dụng toàn bộ số tiền kiếm được từ chiến dịch này cho từ thiện. Nhưng vấn đề nằm ở cách thực hiện. Mọi người đều cảm thấy rất ghê tởm khi nhìn thấy những miếng thịt này. Do đó chiến dịch quảng cáo này đã không mang lại một ý nghĩa cũng như nguồn thu nào.

8. Watch Dogs

Chiến lược: Không thể phủ nhận sự sáng tạo cũng như tài năng của Ubisoft qua các sản phẩm tuyệt vời của họ: Assassin's Creed, Far Cry, nhưng trong hoạt động quảng cáo, có lẽ Ubisoft khá "nhọ". Sau Splinter Cell: Conviction, nạn nhân tiếp theo là bom tấn mới nhất của Ubisoft - Watch Dogs.

Cảm thấy vẫn chưa đủ hấp dẫn với cảnh tượng đoàn tàu trật bánh khỏi đường ray rơi từ trên cao xuống. Ubisoft đã quyết định gửi một bưu kiện gồm những tấm vé tàu được bảo đảm an toàn đến một văn phòng truyền thông ở Úc. Nhưng không hiểu vì lý do gì những người Úc lại nghĩ rằng họ vừa nhận được... một quả bom hẹn giờ.

Kết quả: Bạn là một nhà làm quảng cáo truyền thông, bạn không thể đổ lỗi cho sự hiểu lầm của người khác. Và lần này, vụ việc đã đi xa hơn rất nhiều so với chiến dịch của Splinter Cell: Conviction. Không chỉ có cảnh sát mà là cả một lực lượng hùng hậu, đội gỡ bom, cứu thương được huy động đến hiện trường. Còn Ubisoft lại một lần nữa phải giải thích cho chính quyền thành phố về chiến lược "ấn tượng" của mình.

9. PSP

Chiến lược: Đây là hình ảnh quảng cáo cho phiên bản PSP trắng, xuất hiện trên khắp các biển quảng cáo ở Hà Lan. Một cô gái da trắng mặc cả cây trắng white-on-white đang nhìn chằm chằm trông rất thiếu thiện cảm trong khi một tay cô ta bóp chặt cằm một anh chàng da đen với cả cây đen.

Nếu chỉ nhìn lướt qua hình ảnh này, bạn gần như chỉ nhìn thấy mặt của anh chàng da đen mà không có phần thân. Chưa kể hành động của cô gái da trắng cũng rất phản cảm.

Kết quả: Rất nhiều người đã cho rằng hình ảnh quảng cáo này là một sự phân biệt chủng tộc. Sony ngay sau đó đã phải thay bằng những mẫu thiết kế khác "ít" phản cảm hơn để cứu lấy hình ảnh của mình nhưng đó chỉ như một sự "chữa cháy", đã có rất nhiều người nhìn thấy concept cũ.

10. Hitman

Chiến lược: Nếu từng chơi qua tựa game FPS khá nổi tiếng này, bạn sẽ biết nhiệm vụ của Hitman là hạ gục mục tiêu cho bản hợp đồng giá cao nhất. Nghe nó khá là "xã hội đen" nhưng may mắn thay là vấn đề này vẫn "hợp pháp" trong thế giới game.

Cho đến khi nhà phát hành Square-Enix tung ra một ứng dụng trên Facebook có tên Hitman: Absolution. Ứng dụng này cho phép bạn mô phỏng lại những người bạn của mình dựa trên các đặc điểm về hình dáng bên ngoài như màu tóc, gương mặt, chiều cao, cân nặng và cả kích cỡ "cậu nhỏ"; và "tra tấn" họ.

Kết quả: Chẳng ai muốn làm những việc như vậy với bạn của mình cả, dù chỉ là trong thế giới ảo. Ứng dụng này đã bị gỡ khỏi Facebook chỉ vài giờ ngay sau khi nó được đăng lên và chiến dịch của Hitman đã hoàn toàn thất bại.

Bạn nghĩ các chiến lược quảng cáo có ảnh hướng thế nào đến game? Hay có câu chuyện nào về những chiến dịch thành công nhất, khó đỡ nhất, hãy chia sẻ cho Gamesao nhé.

July.N