Bệnh trẻ hóa
Tìm tới Trung tâm Oxy cao áp, Bộ Quốc phòng (Hà Nội) khám sức khỏe, chị Lê Thị Hằng (39 tuổi, trú tại Long Biên, Hà Nội) cho biết, khoảng 6 tháng nay, chị luôn thấy mệt mỏi, làm việc không hứng thú, dễ xúc động.
Trước đó, chị Hằng còn đi khám trầm cảm. Tuy nhiên, khi chị đi kiểm tra, các bảng test trầm cảm không đủ dữ liệu. Bác sĩ tư vấn chị thay đổi lối sống. Về nhà, chị Hằng làm theo lời bác sĩ nhưng không hiệu quả, đầu óc lúc nào cũng "nặng, ong ong".
Kiểm tra cho chị Hằng, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp, Bộ Quốc phòng cho biết các xét nghiệm của bệnh nhân đều bình thường. Bác sĩ nghi ngờ chị Hằng bị thiếu máu não nên cho điều trị theo hướng đó, kết quả cải thiện rõ rệt.
Không riêng chị Hằng, bác sĩ Hoàng cho biết tỷ lệ dân văn phòng mắc các bệnh thiếu máu não rất nhiều nhưng ít người khám và điều trị đúng. Đa phần, họ nhận thấy mình có biểu hiện lơ mơ, không tìm ra nguyên nhân.
Theo bác sĩ Hoàng, bộ não chiếm khoảng 2,5% trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động não bộ cần 25% lượng oxy trong hệ tuần hoàn, 15-20% lượng máu từ tim và 25% lượng đường trong máu. Khi lưu lượng máu cung cấp cho mỗi 100g nhu mô não thấp hơn 50ml/phút sẽ dẫn tới tình trạng thiếu máu não.
Thiếu máu có thể do thiếu sắt, chảy máu mạn tính do giun móc, loét dạ dày tá tràng, rong kinh, cường kinh, thalassemia hoặc mắc các bệnh mạn tính, dùng thuốc kéo dài... Nguyên nhân do xơ vữa mạch máu, thoái hóa cột sống cổ, xơ hóa và viêm các cơ, dây chằng vùng cổ, gây chèn ép động mạch cảnh/đốt sống.
Một số người thiếu máu do suy giảm nội tiết, tiền mãn kinh. Bác sĩ Hoàng cũng chỉ ra nguyên nhân người làm văn phòng bị căng thẳng, mất ngủ, ăn kém từ đó rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn lo âu hoặc trầm cảm mức độ nhẹ.
Dấu hiệu của thiếu máu não
Bác sĩ Hoàng giải thích thiếu máu não có thể dẫn tới cơn thiếu máu não thoáng qua - một bệnh lý nguy hiểm. Một số trường hợp có thể bị điếc đột ngột hoặc giảm thị lực. Thậm chí, cục máu đông gây đột quỵ não. Do tắc mạch gây thiếu máu một vùng tổ chức não và không tái thông sau đó, gây hậu quả rất nghiêm trọng, để lại nhiều di chứng.
Khi có các dấu hiệu sau người bệnh cần đi kiểm tra sức khỏe:
- Cảm giác đầu nặng
- Đau đầu từ nhẹ tới dữ dội, dùng thuốc giảm đau không đỡ
- Mắt mờ, mỏi mắt, nhìn lóa
- Ù hai tai, khi nghỉ đỡ hơn
- Khả năng làm việc trí óc, độ tập trung suy giảm hơn trước
- Giảm hứng thú với công việc, hờ hững với các thú vui thường ngày
- Dễ cáu gắt vô cớ, dễ xúc động
- Ăn không ngon, ngủ không sâu giấc, hay mệt mỏi khi ngủ dậy
- Tay chân yếu, hơi thở không sâu, thể lực suy giảm
- Thay đổi thời tiết dễ nhức mỏi xương khớp, đau lưng, chân tay lạnh.
Để phòng bệnh, theo bác sĩ Hoàng, người dân cần tăng cường vận động, ngày 2-3 lần, mỗi lần 20-30 phút tùy theo sức của mình. Ngoài ra, bạn cần duy trì chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường ăn cá, rau xanh và các loại quả có màu sắc tươi, đậm để tăng các chất chống oxy hóa, tăng chất cơ hòa tan và khoáng chất, tăng omega-3. Xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh, tích cực, giảm stress.
Điều trị thiếu máu não hiện nay chủ yếu là nhận diện nguyên nhân và giảm bớt các triệu chứng. Đồng thời hạn chế các tác động không tốt của các nguyên nhân đó đến tình trạng thiếu máu lên não.