Tuy nhiên, liệu có bộ chuyên ngành về biển, kinh tế biển Việt Nam sẽ có bước nhảy vọt? Các vấn đề về môi trường biển và đại dương hiện nay của Việt Nam sẽ được xử lý kịp thời? Du lịch biển của Việt Nam sẽ có vị thế mới trên bản đồ du lịch toàn cầu?
Vì sao cần lập Bộ Kinh tế biển?
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/02/2007 về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó xác định ba mục tiêu tổng quát là: Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển; Xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Tăng cường hợp tác quốc tế, đồng thời bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo.
Trong đó, mục tiêu cụ thể là xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53 - 55% tổng GDP của cả nước. Theo đó, từ năm 2010 đến 2020 đã có rất nhiều đề xuất phát triển kinh tế biển, trong đó đề xuất thành lập một Bộ Kinh tế biển hoặc Bộ Biển và Nghề cá được nhiều người tán đồng.
Quay lại thời điểm năm 2014, lúc này tỷ trọng các ngành kinh tế biển và liên quan đến biển đã chiếm 48% GDP cả nước. Kinh tế biển đã được các cấp, các ngành, nhất là những tỉnh ven biển rất chú ý và đề xuất thành lập Bộ Kinh tế biển, Bộ Quản lý biển hay tương tự được nhiều địa phương ủng hộ.
Tuy nhiên, thời điểm ấy kinh tế nước ta đang khó khăn, trong khi đề án tinh giảm biên chế đang vào guồng; chuyện sáp nhập một số bộ ngành trong các năm 2008-2009 vẫn còn nóng hổi, trong đó Bộ Thủy sản được nhập vào Bộ NN&PTNT. Do đó đề xuất thành lập Bộ Kinh tế biển dù được tán đồng chủ trương nhưng phải “chờ thời điểm khác" thích hợp hơn. Khi ấy, TS. Trần Du Lịch (Đoàn ĐBQH của TP.HCM) và PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo là những người ủng hộ mạnh mẽ cho những đề xuất này.
Đến nay sau 10 năm nhìn lại, những điều kiện cho việc thành lập Bộ Kinh tế biển ra sao? Có nên tiếp tục ý tưởng này hay dừng lại cũng nên có đánh giá phân tích, bởi các ngành kinh tế biển đang có những biến chuyển rất nhanh, trong đó nhiều ngành chủ lực trước kia nay đang đi vào thoái trào như: khai thác dầu khí, đánh bắt hải sản mà thay vào đó là du lịch biển, nuôi biển hay phát triển điện gió, cảng biển/logistic…
Hướng ra biển thì cần có Bộ Kinh tế biển?
Thực tế, việc lập bộ chuyên ngành để đột phá kinh tế biển là chủ trương đúng đắn, nhưng thời điểm thành lập thì lại là câu chuyện khác. Theo kinh nghiệm của các nước, cơ cấu các bộ ngành của mỗi chính phủ khác nhau sẽ đưa ra những quan điểm thành lập các bộ ngành khác nhau để dễ quản lý nhà nước. Bởi đặc thù mỗi nước (thể chế chính trị, năng lực quản lý, ngân sách cho tới yêu cầu thực tiễn) sẽ quyết định vấn đề này.
Ví dụ, Hàn Quốc có Bộ Thủy sản và hải dương, Nhật Bản có Bộ Thủy sản Nông Lâm, Indonesia có Bộ Thủy sản và Hàng hải… Về cơ bản các nước không có bộ kinh tế biển riêng mà những ngành kinh tế biển đều nằm xen kẽ trong các bộ ngành khác nhau giống như Việt Nam vậy. Đơn cử, du lịch nằm trong Bộ Du lịch hoặc Văn hóa – Thể thao và Du lịch; Bảo vệ môi trường thì nằm trong Bộ Bảo vệ Môi trường (ở Trung Quốc) hay Tài nguyên và Môi trường…
Với ngành thủy sản và đánh bắt, trước đây Việt Nam cũng có Bộ Thủy sản, nhưng từ năm 2007 được sáp nhập vào Bộ NN&PTNT. Trong khi đó, ngành đánh bắt cũng chuyển sang đánh xa bờ, bị hạn chế và đang dần được thay thế bằng nghề nuôi biển. Do vậy có thể nói, kinh tế biển với 6 ngành chủ chốt cũng đang có những chuyển dịch rất mạnh mẽ và phát triển theo hướng ưu tiên theo thứ tự: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản; Nuôi trồng và khai thác hải sản; Công nghiệp ven biển; Năng lượng tái tạo...
Như vậy, nếu ôm cả 6 nhóm ngành này vào một Bộ Kinh tế biển thì sẽ rất cồng kềnh; hoặc nếu chỉ gói gọn trong đề xuất Bộ Biển và Nghề cá như đề xuất của TS Nguyễn Chu Hồi thì e chừng có phần bị bó hẹp. Đúng như TS. Trần Du Lịch từng nói, kinh tế biển có nhiều lĩnh vực từ khai thác tài nguyên biển đảo, ngư nghiệp, dầu khí, cảng biển và kể cả các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển… Nhưng dù bị quản lý không tập chung nhưng xét cho cùng thế mạnh của sự phân lập cũng có những thuận lợi nhất định.
Khi đã có chiến lược phát triển kinh tế biển rõ ràng rồi, việc quản lý cũng không còn quá phức tạp và việc thành lập 1 bộ chuyên ngành về biển đã không còn cần thiết. Thiết nghĩ, trong bối cảnh tinh giản bộ máy hành chính, sáp nhập các đơn vị hành chính (huyện xã và tiến tới là cấp tỉnh) thì việc sáp nhập thêm một số bộ ngành cũng được tính đến, thì việc vì lập thêm 1 bộ mới chuyên về kinh tế biển như yêu cầu của 10 năm trước đã không còn cần thiết nữa.