Đoàn Giám sát của Quốc hội vừa có báo cáo kết quả giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” gửi Quốc hội.
Đề cập đến nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động, đoàn giám sát ghi nhận, cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế bước đầu thực hiện có hiệu quả.
Tính đến cuối năm 2021, biên chế công chức giảm 10,01%; viên chức giảm 11,12% so với năm 2015, vượt mục tiêu các Nghị quyết 19 của Đảng đề ra (giảm 10%). Không chỉ giảm biên chế công chức, viên chức, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trong các bộ, ngành, địa phương cũng giảm.
Tính chung đến cuối năm 2021, có 3.135 đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương đã tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và tự bảo đảm chi thường xuyên.
Tăng tổng quỹ lương cho biên chế 859 tỷ đồng
Bên cạnh các kết quả đạt được, đoàn giám sát của Quốc hội chỉ ra, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính chưa đạt yêu cầu đề ra. Cụ thể như việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành chưa triệt để, còn tình trạng “cài cắm”, “biến tướng”, phát sinh thêm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật…
Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà của một bộ phận cơ quan hành chính nhà nước, một số cán bộ, công chức trong giải quyết công việc, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp còn xảy ra như hiện tượng yêu cầu thêm nhiều giấy tờ không được quy định trong bộ hồ sơ; trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ…
Tinh giản biên chế một số cơ quan, đơn vị cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số bộ, ngành, địa phương sử dụng biên chế chưa đúng quy định của pháp luật như sử dụng biên chế sự nghiệp (viên chức) để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước tại các cơ quan, tổ chức hành chính.
Định mức biên chế sự nghiệp lạc hậu nhưng chưa được các bộ quản lý ngành, lĩnh vực sửa đổi, đặc biệt lĩnh vực giáo dục - đào tạo và y tế (chiếm trên 85% biên chế sự nghiệp do Chính phủ quản lý).
Đáng chú ý, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa sử dụng hết số biên chế công chức, viên chức được giao nhưng vẫn đề nghị bổ sung, nhất là biên chế viên chức giáo dục.
Qua kiểm toán đã phát hiện nhiều đơn vị tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong việc giao chỉ tiêu biên chế và tiếp nhận sử dụng biên chế sai quy định, vượt thẩm quyền.
Trong đó, 10 địa phương giao vượt 5.069 biên chế công chức gồm: TP.HCM vượt 3.456; Hà Nội vượt 10; tỉnh Bình Dương vượt 678; Quảng Ninh vượt 372; Bình Thuận vượt. 289; Thanh Hóa vượt 141; Hậu Giang vượt 50; Đồng Tháp vượt 45; Quảng Nam vượt 18; Thừa Thiên Huế vượt 10 và Bộ Thông tin truyền thông giao vượt 18 biên chế.
5 địa phương gồm: Đà Nẵng; Cần Thơ; Thừa Thiên Huế; Quảng Bình; Lào Cai giao 905 chỉ tiêu biên chế viên chức cho các cơ quan hành chính không đúng quy định.
Ngoài ra, có 2 địa phương giao chỉ tiêu hợp đồng khác chưa đúng quy định của Luật Viên chức 8.841 người (TP Hà Nội 8.464 người; tỉnh Ninh Bình 377 người)…
Chính vì vậy, tổng quỹ lương bố trí cho biên chế công chức, viên chức, lao động do vượt chỉ tiêu được giao, làm tăng chi ngân sách 859 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, có 11 địa phương sử dụng 1.259 biên chế viên chức của các đơn vị sự nghiệp công làm công việc quản lý nhà nước; 32 địa phương sử dụng 9.299 lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn tại các cơ quan tổ chức hành chính.
Còn có địa phương bố trí 32 công chức (không phải là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công) làm nhiệm vụ chuyên môn tại đơn vị sự nghiệp công lập...
Đề xuất thiết kế mô hình tổ chức bộ máy nhà nước nhiệm kỳ 2026-2031 gọn nhẹ
Đoàn giám sát cũng lưu ý, việc sáp nhập giảm đầu mối trung gian trong một số trường hợp còn là “phép cộng cơ học”, không thật sự đạt được kết quả về tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả công việc, song lại xảy ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến đời sống, tinh thần người lao động; sắp xếp, xử lý nhà, đất, trụ sở làm việc thiếu đồng bộ, dẫn đến nhiều lãng phí.
Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, nâng ngạch công chức, viên chức ở một số cơ quan, đơn vị còn xảy ra tiêu cực, sai phạm, thiếu dân chủ, thiếu công khai, minh bạch.
Một số công chức, viên chức thoái hóa, biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tham ô, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí phải xử lý kỷ luật, khởi tố hình sự...
Đoàn giám sát đề nghị năm 2022 và Quý I/2023, Chính phủ nghiên cứu, có các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế giai đoạn vừa qua.
Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ có các giải pháp quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo quy định. Rà soát, đánh giá lại việc giao, quản lý biên chế, sớm khắc phục tình trạng tinh giản biên chế một cách cơ học hoặc bình quân tại tất cả các cơ quan, đơn vị như hiện nay.
Đồng thời, làm rõ căn cứ xác định biên chế khối sự nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, y tế, đặc biệt lĩnh vực giáo dục ở các địa phương có dân số lớn, không có điều kiện xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm số lượng biên chế của ngành.
Đoàn Giám sát cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng, trước năm 2025, giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương hoàn thành đánh giá thực trạng tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Đồng thời đề xuất thiết kế mô hình tổ chức bộ máy nhà nước nhiệm kỳ 2026-2031 gọn nhẹ, sáp nhập giảm đầu mối trung gian của một số cơ quan, đơn vị.