Gắn thiết bị VMS là một trong những nhiệm vụ ưu tiên nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động khai thác thủy sản; gỡ “thẻ vàng” của EC và nằm trong Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đã được Chính phủ phê duyệt.

Giải pháp quan trọng để gỡ “thẻ vàng”

Theo đại diện Cục Thủy sản, việc lắp thiết bị VMS với các tàu có chiều dài từ 15m đến dưới 24m (đa phần là tàu đánh bắt xa bờ-PV) được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nhanh chóng gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Chính vì vậy thời gian qua, các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương như: Bộ đội biên phòng,  Cảnh sát biển thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để ngư dân nhận thức rõ việc lắp đặt VMS nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động khai thác thủy sản. Sở NN&PTNT các địa phương cũng nhanh chóng vào cuộc khi kiểm soát các tàu khai thác có đăng ký.

Với riêng tỉnh Sóc Trăng, địa phương có số tàu cá khai thác xa bờ không nhiều, nhưng số tàu khai thác ven bờ tương đối lớn thì việc gắn thiết bị VMS có ý nghĩa quan trọng để ngăn chặn tình trạng đánh bắt hủy diệt nguồn lợi thủy sản, đe dọa mất cân bằng sinh thái ven bờ. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, tổng số tàu cá đã đăng ký của địa phương là 1.000 chiếc, với tổng công suất 207.670 CV. Từ đầu năm 2023 đến nay, ước tổng sản lượng khai thác là 66.144,9 tấn.

“Công tác đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá và cấp giấy an toàn thực phẩm thực hiện đúng theo quy định, đến nay Sở đã cập nhật 1.000 tàu cá đã đăng ký trên VNFishbase. Ngoài ra, 340/340 tàu cá xa bờ đã lắp đặt thiết bị VMS, đạt tỷ lệ 100%. Số tàu này đã được cập nhật và hiển thị vị trí trên hệ thống giám sát hành trình của Cục Thủy sản, tất cả các tàu cá đã lắp đặt thiết bị VMS theo đúng quy trình, thực hiện đúng quy định kẹp chì”, ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng cho biết.

11221307 491519621012912 2370082599265978313 o.jpg
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, tổng số tàu cá đã đăng ký của địa phương là 1.000 chiếc

Cũng theo ông Nhã, để quản lý các tàu cá nghiêm túc thực hiện việc lắp đặt và bật thiết bị VMS, Ban Quản lý Cảng cá Trần Đề (nơi có số lượng tàu cá của tỉnh tập trung neo đậu) tổ chức trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin tàu khai thác cập, xuất cảng; đối chiếu danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp, sắp xếp tàu vào cảng và giám sát sản lượng hải sản bốc dỡ qua cảng.

Giám sát, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tốt hơn

Theo ông ông Huỳnh Ngọc Nhã, tổng số tàu khai thác hải sản cập cảng Trần Đề để lên hàng thủy sản là 2.256 lượt tàu (trong đó có nhiều tàu cá của các tỉnh bạn và neo trú và bốc dỡ thủy sản, tiếp nhiên liệu và thực phẩm…), sản lượng hàng thủy sản qua cảng là 118.629 tấn.

Để làm tốt công tác giám sát và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Sở NN&PTNT Sóc Trăng đã tổ chức thực hiện 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần để kiểm tra, kiểm soát các tàu cá ra, vào cảng Trần Đề; đã kiểm tra 5.513 lượt tàu cá cập, rời cảng, trong đó 2.256 tàu cập cảng và 3.257 tàu rời cảng; thực hiện cấp 73 giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản từ khai thác với khối lượng 4.531 tấn; cấp 138 giấy chứng nhận thủy sản khai thác với khối lượng 1.613,8 tấn, trong đó có 87 giấy đi thị trường châu Âu và 51 giấy đi thị trường khác.

Nếu tính từ đầu năm 2023 đến nay, Sở đã tổ chức 6 lượt kiểm tra, tuần tra, giám sát Bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển và kiểm tra 172 tàu cá; đã ra 7 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 57,5 triệu đồng đối với các tàu cá vi phạm khi đánh bắt gần bờ và xả thải gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, thông qua các đợt thanh kiểm tra, Sở cũng ghi “sổ đen” đầy đủ các trường hợp bị xử phạt vào cơ sở dữ liệu của Cục Thủy sản về xử phạt vi phạm hành chính để “nhắc nhở” các tàu khác và tạo CSDL để các tàu vi phạm không dám tái phạm khi khai thác tại các ngư trường tỉnh bạn.

Song song với công tác kiểm tra xử phạt, Sở cũng đẩy mạnh công tác truyền thông về IUU; lồng ghép  tuyên truyền với công tác đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản, thanh tra, kiểm tra hoạt động của tàu cá tại cảng, trạm kiểm soát biên phòng, trên biển; yêu cầu hệ thống chính trị địa phương vào cuộc để vận động tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm công tác chống khai thác IUU theo quy định. Ngoài ra, Sở đã cùng Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 4 tổ chức các đợt tập huấn, tuyên truyền các quy định pháp luật về phòng, chống khai thác IUU; 2 lớp tuyên truyền Luật thủy sản cho hơn 5.513 lượt chủ tàu, thuyền trong và ngoài tỉnh khi cập cảng Trần Đề.

Duy Tuấn và nhóm PV, BTV