Trung Quốc là một trong những quốc gia có khung cảnh đẹp và nền văn hóa lâu đời trên thế giới. Tuy nhiên, du khách cần nắm rõ những chiêu lừa phổ biến để tránh mất tiền oan.
Người luyện tiếng Anh: Đây là một trong những chiêu lừa phổ biến ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Trong đó, một cô gái có vẻ hiền lành sẽ tiếp cận và làm quen với du khách đi một mình. Sau đó, họ sẽ đề nghị dẫn du khách đi tham quan hay uống trà để luyện thêm tiếng Anh. Tuy nhiên, họ sẽ dẫn du khách đến nơi chơi bài, hay đi uống trà, bia, mua tranh với giá cắt cổ. Nếu cố bỏ đi, bạn sẽ bị những tay bảo kê chặn lại. Ảnh: Travelscam. |
Phòng khám Đông y dành cho du khách: Các phòng khám này thường đoán bệnh theo kiểu vô thưởng vô phạt, đồng thời khuyến mại những dịch vụ như massage chân miễn phí. Sau đó, họ sẽ bán cho bạn những loại nước hay thảo dược với giá cao mà không rõ công dụng. Do đó, nếu muốn trải nghiệm, bạn nên tìm các phòng khám có uy tín và được nhiều đánh giá tốt từ du khách trên mạng. Ảnh: China Plus. |
Tour giá rẻ: Những tour dạng này nhận hoa hồng từ các cửa hàng, quán ăn... để đưa du khách đến. Nếu tham rẻ và mua tour này (quảng cáo ở trạm xe bus hay trên đường phố), bạn sẽ không có thời gian trải nghiệm điểm tham quan, với hướng dẫn viên không biết tiếng Anh hoặc không có kinh nghiệm. Bạn nên chọn các đơn vị có giấy phép. Ảnh: The Roaming Renegades. |
Sư giả: Đây là một mánh lừa phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở khu vực châu Á, trong đó Trung Quốc không phải là ngoại lệ. Họ mặc trang phục nhà sư, đem theo quyển sách ghi đóng góp của nhiều người từ khắp nơi trên thế giới, viết bằng nhiều ngôn ngữ. Điều này khiến bạn cảm thấy áy náy nếu không chi tiền. Ảnh: Buddhistpage. |
Quán trà giá cao: Những quán trà này thường có người chèo kéo và dẫn khách, hay trả tiền cho các đơn vị tổ chức tour để đưa khách đến. Các món đồ uống ở đây thường có giá cao hơn nhiều so với chất lượng. Bạn chỉ nên chọn những quán trà có tiếng, được nhiều khách du lịch đánh giá cao. Ảnh: Travel and Escape. |
Nhân viên quản lý giả: Ở lăng Mao Trạch Đông hay quảng trường Thiên An Môn, một số kẻ tự xưng là nhân viên quản lý và nói rằng bạn cần có giấy phép hay giày đúng chuẩn mới được vào. Nếu bạn tin, họ sẽ bán cho bạn một loại giấy tờ giả hay giày. Ảnh: China Meiguo. |
Vé giả: Nếu một người lạ tiếp cận bạn và mời bạn mua vé vào cửa điểm tham quan với giá rẻ hơn, hãy cẩn thận. Những vé đó thường là giả, hoặc có giá tiền cao hơn giá được bán công khai. Ảnh: China Daily. |
Hàng cao cấp giả: Các tour giá rẻ thường có điểm đến là những hàng bán lụa, ngọc, đá, trang sức... Sản phẩm ở đây thường là đồ giả, hoặc có chất lượng thấp và giá cao. Nhiều hàng còn có diễn viên giả vờ làm khách VIP, tặng quà, cho nhân viên giả vờ phạm lỗi để trách mắng rồi xin giảm, tạo lòng tin cho khách. Ảnh: Tripsavvy. |
Nâng giá sản phẩm: Ở nhiều khu chợ, hàng hóa không có thẻ ghi giá và người bán sẽ hét giá cao gấp nhiều lần. Do đó, bạn nên tham khảo giá trước và mặc cả càng nhiều càng tốt. Ảnh: Coffee Cake & Culture. |
Taxi “chặt chém”: Nhiều taxi không giấy phép chờ sẵn ở các sân bay hay điểm du lịch, với nhiều chiêu móc tiền khách như lắp đồng hồ công tơ mét giả, lừa khách xuống xe và chở hành lý bỏ đi, đột ngột tăng giá gấp nhiều lần giá thỏa thuận... Ở sân bay, bạn nên ra chỗ chờ taxi theo quy định, nơi có nhân viên mặc đồng phục điều xe cho khách. Ở Bắc Kinh, bạn chỉ nên đi taxi có chữ “B” trên biển và luôn yêu cầu bật đồng hồ. Ảnh: Thatsmags. |
Xe bus giả: Một số xe sơn màu và có biển giống như xe bus thật, đưa khách đi lòng vòng (thường là qua các cửa hàng mua sắm) và bán vé đắt hơn nhiều. Bạn cần lên kế hoạch trước cho chuyến đi, tìm hiểu các tuyến xe bus và điểm đỗ cẩn thận. Ảnh: Kanghuekia/Blogspot. |
Tiền giả: Nhiều người bán có thể đánh tráo tờ 50 hay 100 tệ của bạn thành tiền giả và yêu cầu bạn trả tờ khác. Một chiêu nữa là họ nói không đủ tiền trả lại, đề nghị bạn đưa thêm tiền để trả lại cho chẵn, sau đó đưa tiền giả cho bạn. Du khách nên học cách nhận biết tiền thật và từ chối nhận nếu có bất cứ dấu hiệu nghi ngờ nào. Bạn cũng nên tránh những đồng tiền cũ nát. Ảnh: Worldnomads. |
Hai thực đơn: Một số quán ăn hay quán bar có hai thực đơn, một được đưa ra khi bạn gọi món, và một được đưa ra khi bạn thanh toán, với mức giá cao hơn. Một phiên bản khác là thực đơn cho người địa phương và thực đơn cho khách nước ngoài. Ảnh: China Highlights. |
Ăn xin giả: Tương tự như sư giả, nhiều người vờ như bị tàn tật hay nghèo đói và bám theo du khách để xin tiền. Một số nói rằng bị cướp hoặc móc túi và xin bạn ít tiền lẻ để đi về. Thậm chí, họ có thể trộm đồ của bạn nếu bạn không để ý. Ảnh: Hong Kong Press. |
(Theo Zing)