Bệnh nhân là bé D.C.M, sinh tháng 2/2018, là con đầu lòng của vợ chồng chị N.C.T.T (32 tuổi, ngụ tại Q.3, TP.HCM). Bé M. sinh non khi mẹ mới mang thai hơn 6 tháng.  Sau sinh 1 tháng, bác sĩ phát hiện bé bị vàng da ứ mật do bệnh teo đường mật bẩm sinh. Dù bé đã được phẫu thuật Kasai để điều trị nhưng tình trạng diễn tiến xấu nên gia đình đã chuyển bé sang BV Nhi Đồng 2.

{keywords}

Cuộc hội chẩn căng thẳng về quyết định mổ ghép gan cho bệnh nhi có hỗ trợ từ hai giáo sư đâu ngành về ghép tạng đến từ Vương quốc BỈ. Ảnh: BSCC

Lúc nhập viện, bé M. đang trong tình trạng viêm phổi nặng, suy gan giai đoạn cuối với biểu hiện suy hô hấp, vàng da nặng. Dù được điều trị tích cực bằng nhiều loại kháng sinh mạnh, song không hiệu quả. Lúc này, lãnh đạo bệnh viện chỉ định phải ghép gan gấp cho bé, nếu không bé sẽ tử vong sớm.

Qua khám sàng lọc người được chọn đầu tiên là bố ruột bé, song gan lại bị nhiễm mỡ nên không phù hợp ghép. Sau đó, ê-kíp quyết định chọn gan của ông nội D.V.L, (56 tuổi, ngụ Tây Ninh). Ban đầu ông nội khá lo lắng vì chưa từng nằm viện hay phẫu thuật. Nhìn cháu thoi thóp ông đứt ruột, ông bằng lòng cho cháu 1 thùy gan để có thêm cơ hội sống. GS.BS.Trần Đông A khuyên ông nội bỏ luôn những thói quen có hại như hút thuốc, uống rượu… để gan được hồi phục tốt nhất trước khi cuộc ghép được tiến hành.

Ban lãnh đạo bệnh viện đã hội chẩn với hai giáo sư chuyên ghép gan đến từ Vương quốc Bỉ và đặt ra nhiều tình huống giả định.

{keywords}

Tình thế "cửu tử nhất sinh" của bệnh nhi buộc bác sĩ phải mổ ngay lúc này trong khi bệnh nhi viêm phổi, nhiễm trùng huyết nặng song không còn đường nào khác để cứu bệnh nhi. Ảnh: BSCC

Trong lúc đó, các bác sĩ dinh dưỡng và tiêu hóa trong 2 tháng ròng đã cố nâng tổng trạng bé lên 10 kg để đủ sức đương đầu với ca đại phẫu kéo dài 15-20 tiếng trong phòng mổ.

Những suy tính được mất đã đưa lên bàn cân song cuối cùng quyết định phẫu thuật ghép gan là phương án tối ưu giữ lại mạng sống cho bé. Phó giám đốc BV Nhi đồng 2, Phạm Ngọc Thạch nhớ lại khoảnh khắc đưa ra quyết định đưa ra y lệnh: “Rất tế nhị khi nói chuyện được mất ở đây. Nhưng không mổ ghép bấy giờ thì không còn cơ hội nào để cứu cháu bé”.

15 tiếng cân não trong phòng mổ, 5 tiếng phân vân ghép tĩnh mạch

Cả ê-kip phẫu thuật phải đứng suốt 15 tiếng ròng trong phòng mổ thực hiện ghép nối thùy gan ông cho cháu bé. Dù đã có kinh nghiệm 12 ca ghép trước, song cả ê kíp phẫu thuật cũng phải tập trung cao độ do động mạch gan trái của người cho lại xuất phát từ động mạch của dạ dày và mạc nối nhỏ nên khi bóc tách phân thùy gan 2, 3 tương đối khó khăn. Khi ghép phần gan mới cho bé M., tĩnh mạch cửa của bé lại không tương thích tĩnh mạch cửa của người ông. Tình huống này vô cùng nan giải cho ê-kíp mổ.

“Phải đắn đo suy nghĩ, suy đi tính lại, mất 5 tiếng cân nhắc chúng tôi mới quyết định dùng tĩnh mạch cảnh trái trên cổ bệnh nhi làm cầu nối. Nhờ vậy, mạch máu không bị gập và máu lưu thông tốt”, bác sĩ Trần Thanh Trí, người mổ ghép chính cho hay.

{keywords}

Ê-kíp mổ phải đứng ròng 15 tiếng trong phòng, nhiều tính huống cân não buộc họ phải đưa ra quyết định nhanh và chuẩn xác để giúp bệnh nhi có cơ hội sống. Ảnh: BSCC

Giải quyết được vấn đề tĩnh mạch cửa thì trở ngại khác lại ập đến, ổ bụng em bé quá nhỏ do sinh non tháng. Kíp mổ phải nong ổ bụng em bé rộng để thích ứng với lá gan mới bằng tấm plaque– một vật liệu không gây phản ứng cho cơ thể, được mang từ nước ngoài sang phục vụ ca phẫu thuật.

Phải 2 tuần sau ghép, bệnh nhi được phẫu thuật lấy tấm plaque ra và khâu phục hồi thành bụng. “Để quyết định thêm đóng hay mở ổ bụng bé lại một lần khiến kíp mổ toát mồ hôi, phải quyết đoán phương án nào trong khi tiên lượng cho sức khỏe bé sau mổ là dè dặt. Đến bây giờ, tình trạng viêm phổi và nhiễm trùng huyết, chức năng gan của cháu bé được cải thiện dần, bác sĩ chúng tôi mở thở phào nhẹ nhõm”, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cho biết.

Còn quá ít trẻ được ghép tạng để nối dài sự sống

Một tháng sau ghép, bé đã tỉnh táo, ăn uống tốt và đang được theo dõi chặt chẽ việc thải ghép. Bệnh nhi hồi phục tốt, bé tăng cân, vui vẻ, linh hoạt, da dẻ trắng trẻo, không còn đen xạm do tình trạng ứ mật như trước. Bé có thể tự ngồi, đi xe đẩy hay đùa giỡn với mọi người. Sức khỏe người cho tạng - ông nội bé cũng ổn định và có sự tăng cân sau phẫu thuật.

{keywords}

Ê-kíp mổ gồm rất nhiều chuyên khoa phối hợp nở nụ cười khi đồng hồ gần điểm 12 giờ đêm, ca mổ đã thành công sau 15 giờ. Ảnh: BSCC

GS.BS.Trần Đông A, Cố vấn chuyên môn ghép tạng cho BV Nhi đồng 2 nhận định, đây là 1 trong 2 ca nặng nhất mà bệnh viện đã tiếp nhận, nếu không được ghép gan kịp thời chắc chắn sẽ tử vong sớm. “Trẻ em là mầm non của đất nước, nếu không chăm lo làm sao sau này đóng góp được, thực tế nhu cầu ghép tạng cho trẻ cấp bách nhưng hiện tại chúng tôi chỉ thực hiện thành công được 13 ca ghép gan. Như vậy quá ít, nhiều trẻ cần được sống được ghép gan vẫn đang chờ”, GS Đông A trăn trở.

Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch, PGĐ BV Nhi Đồng 2, bệnh viện sẽ đẩy mạnh ghép tạng ở trẻ em vì vẫn còn nhiều trường hợp cần được ghép. Hiện, tạng ghép ở người cho sống còn tương đối khan hiếm, bệnh viện đã tham gia hệ thống ghép tạng quốc gia và đã triển khai ghép tạng từ người cho chết não để các bé có cơ hội được cứu sống nhiều hơn.

Từ thành công của các ca ghép tạng nhi, sắp tới bệnh viện Nhi Đồng 2 sẽ xây dựng thành 1 trung tâm ghép tạng nhi phát ở khu vực phía nam. Với những thành quả hiện tại 17 ca ghép thận, 13 ca ghép gan, con số này còn quá khiêm tốn so với nhu cầu thật sự các bệnh nhi bị suy gan, suy thận.

Phan Nhơn