20h55 ngày 26/2, chiếc Air Force One hạ cánh xuống sân bay Nội Bài rồi dừng lại vuông góc với tấm thảm đỏ được chuẩn bị sẵn tại sân đỗ. Tổng thống Mỹ Donald Trump bước xuống chuyên cơ với động tác vẫy tay như thường lệ. Chuyến bay tới Hà Nội để dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều là lần thứ 2 ông Trump tới Việt Nam.
Air Force One hạ cánh xuống sân bay Nội Bài tối 26/2. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trên Đài kiểm soát không lưu Nội Bài cách đường băng vài trăm mét, các kiểm soát viên thở phào sau những giờ phút tập trung cao độ. Bên cạnh họ, các mật vụ Mỹ cũng rục rịch rút khỏi Đài, chuẩn bị cho những nhiệm vụ tiếp theo.
Bí mật đến phút chót
Trong cuộc trao đổi với Zing.vn về công tác đón tiễn đoàn của Tổng thống Mỹ đến dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội, lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cho biết đây là một nhiệm vụ rất kỳ công và cho thấy quyết tâm của toàn ngành hàng không.
Kiểm soát viên không lưu theo dõi các chuyến bay cất cánh tại Nội Bài. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đã chủ trì nhiều cuộc họp với các đơn vị có liên quan để chuẩn bị cho sự kiện. Phía Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam có Phó tổng giám đốc Nguyễn Đình Công, Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Bắc Lâm Phúc Anh Hà và các phòng, ban chức năng. Các cuộc họp đều kín, không ghi âm, ghi hình và không có báo chí tham dự.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Trưởng Trung tâm Kiểm soát tiếp cận - tại sân Nội Bài, là người chỉ huy chính trên đài kiểm soát không lưu. Ông đã có 5 lần tham gia công tác đón Tổng thống Mỹ đến Việt Nam (gồm các Tổng thống Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama, Donald Trump).
Công việc của các kiểm soát viên không lưu tại Nội Bài. Ảnh: Quỳnh Trang. |
"Cá nhân tôi cùng với các kiểm soát viên không lưu dày dạn kinh nghiệm trực tiếp điều hành các ngày chuyên cơ Air Force One đến và đi, được giao làm việc với các nhóm chuẩn bị bay, mật vụ và an ninh không phận", ông Quang chia sẻ.
Phía Mỹ không trực tiếp điều hành bay mà chỉ phối hợp cung cấp thông tin trực tiếp cho lực lượng kiểm soát viên không lưu của Việt Nam điều hành.
Trong suốt quá trình hạ và cất cánh của Air Force One đều có nhân viên thông tin Nhà Trắng trực tiếp ngồi cạnh các kiểm soát không lưu. Phía Mỹ cũng trực tiếp đi kiểm tra đường lăn, đường hạ cất cánh kỹ càng trước khi đón Air Force One.
Mật vụ Mỹ làm việc tại sân bay Nội Bài trước giờ đón Tổng thống Mỹ. Ảnh: Phạm Thắng. |
Đặc thù của các chuyến bay chở Tổng thống Mỹ là luôn có 2 chuyên cơ Air Force One giống hệt nhau, chỉ một chiếc chở Tổng thống. Chiếc còn lại làm nhiệm vụ dự phòng (backup) và cũng để "nghi binh" phòng trường hợp bị tấn công.
Khi đàm thoại từ xa, kiểm soát viên không lưu được thông báo tên 2 chuyến bay là Air Force One 1 và Air Force One 2. Nhưng chỉ khi chuyến thứ nhất hạ cánh, phi hành đoàn mới cho biết chuyến nào chở Tổng thống.
Khi người Mỹ “nhập gia tùy tục”
6 ngày trước khi ông Donald Trump đến, ông Quang có buổi làm việc với đoàn đặc vụ của Mỹ tại Đài kiểm soát không lưu Nội Bài để họp bàn phương án đón máy bay của Tổng thống.
Với khâu hạ cất cánh tại Nội Bài, phía bạn có các đại diện như Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, mật vụ, đội bay gồm cả nhóm bay trực thăng, an ninh không phận, thông tin, khí tượng và các bộ phận trợ giúp cho Tổng thống.
Kịch bản đón đoàn của Tổng thống Trump tại Nội Bài là kết quả của quá trình trao đổi, thảo luận kỹ càng trên cơ sở phù hợp với nguyên tắc của cả 2 bên. Trong đó có những phần việc mà phía Mỹ phải tôn trọng nguyên tắc của nước chủ nhà.
"Khi Tổng thống Mỹ bước xuống khỏi chuyên cơ, phía bạn đề xuất không dùng thảm đỏ để trải đón Tổng thống, nhưng phía Việt Nam đề nghị dùng vì đó là nghi lễ ngoại giao Quốc gia", ông Quang chia sẻ.
Air Force One chở Tổng thống Mỹ hạ cánh tại Nội Bài. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong các cuộc họp, phía Mỹ đề nghị lắp ráp và bay thử chiếc trực thăng Marine One của Tổng thống Mỹ tại Nội Bài (trong chuyến thăm lần trước tại Đà Nẵng, phía Mỹ cũng đã bay thử Marine One nhiều vòng trên không).
Tuy nhiên lần này yêu cầu bay thử không được chấp thuận vì lý do an ninh, Marine One chỉ được phép bay treo tại sân bay với độ cao dưới 2 m trong khoảng thời gian ngắn.
Khi Air Force One đáp xuống Nội Bài, ông Quang cùng cả kíp trực đứng trên đài không lưu tập trung theo dõi.
"Mọi phần việc của chúng tôi đều có những nhân viên giỏi nhất đảm nhiệm. Riêng vị trí đánh tín hiệu đường băng (signalman) thì người Mỹ yêu cầu tự làm", ông chia sẻ.
Từ xe thang, xe tiếp nhiên liệu đến nhân viên đánh tín hiệu đường băng đều được phía Mỹ mang sang Việt Nam. Ảnh: Hiếu Duy. |
Để chuẩn bị đón Air Force One, phía Mỹ đã chở sang Việt Nam 10 xe bồn chứa nhiên liệu, 3 xe thang và các nhân viên đánh tín hiệu đường băng. Các phương tiện trong thời gian phục vụ tổng thống Mỹ đều được niêm phong, bảo vệ kỹ càng.
Khi chuyến bay chở Tổng thống Mỹ cất cánh về nước, phía Mỹ đã dành rất nhiều lời khen ngợi ngành hàng không, ngành quản lý bay Việt Nam vì sự chuyên nghiệp, kỷ luật cao và hiếu khách, thân thiện, cũng như khen ngợi những trang thiết bị hiện đại của ngành.
Trải qua lần thứ 6 đón máy bay của Tổng thống Mỹ, có một câu nói từ phía đoàn đặc vụ nước bạn khiến ông Quang ấn tượng: “Chúng tôi mong sẽ được tiếp tục làm việc với các bạn vào một ngày gần nhất”.