Thông tin trên được Sở Y tế TP.HCM cung cấp vào chiều 20/2. Theo đó, 2 bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM lần lượt vào ngày 6 và 7/2, nghi ngờ ngộ độc botulinum.
Trường hợp thứ nhất là trẻ 6 tuổi, ngụ tại phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP.HCM. Ngày 3/2, trên đường về quê cùng gia đình, trẻ nôn ói nhiều phải nhập viện tại Bình Định. Sau 2 ngày, bé vẫn nôn ói kèm co giật, chẩn đoán theo dõi viêm não cấp và được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) vào 18h ngày 6/2.
Trường hợp thứ hai nhập viện tư nhân sau 2 ngày nôn ói, cử động hàm khó. Sau đó, trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM lúc 0h ngày 7/2 với chẩn đoán theo dõi xuất huyết não.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, khai thác thông tin ghi nhận cả hai trẻ cùng ăn tiệc tất niên tại một gia đình ở phường Phước Long B, TP Thủ Đức.
Qua thăm khám lâm sàng, chụp CT sọ não, MRI não, đo điện cơ và các xét nghiệm cần thiết khác, các bác sĩ không loại trừ khả năng trẻ bị ngộ độc botulinum. Bác sĩ thống nhất sử dụng thuốc giải độc tố botulinum.
Hiện tại, tình trạng hai bệnh nhi đã cải thiện. Mẫu bệnh phẩm đã được gửi đến Viện Y tế công cộng TP.HCM để xét nghiệm và chẩn đoán xác định.
Sở Y tế TP.HCM cũng yêu cầu lãnh đạo các cơ sở khám chữa bệnh triển khai tới tất cả nhân viên y tế về yêu cầu phát hiện kịp thời, xử trí, báo cáo và phối hợp điều tra nguyên nhân ngộ độc thực phẩm.
Trước đó, tháng 5/2023, TP.HCM đã ghi nhận 6 người (đều ngụ TP Thủ Đức) ngộ độc botulinum. 5 trường hợp đã ăn bánh mì kèm với một loại chả lụa bán dạo, người còn lại ăn mắm để lâu ngày. Ngoài 3 bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2, có hai bệnh nhân 18 tuổi và 26 tuổi nằm tại Bệnh viện Chợ Rẫy, một người đàn ông 45 tuổi cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Sau đó, nam bệnh nhân 45 tuổi đã tử vong vì biến chứng nặng, không kịp dùng thuốc giải được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam.