Phó Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thanh Tùng cho biết, đơn vị đã hoàn thành cơ bản 2 quy hoạch biển quan trọng là: Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ và Quy hoạch không gian biển quốc gia. Cả 2 quy hoạch này đang chờ Chính phủ trình Quốc hội thông qua ngay trong năm 2024 để làm cơ sở cho việc quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên biển đảo quốc gia.
Cụ thể, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đã xong từ tháng 10/2023 và đang hoàn thiện nốt những nội dung thành phần theo ý kiến của Hội đồng thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Trong khi đó, bản Quy hoạch không gian biển quốc gia đang tiếp tục được xây dựng cẩn trọng, cơ bản đã hoàn thiện các nội dung mang tính chất “bộ khung” và chờ các cấp có thẩm quyền thẩm định lần cuối.
Nhấn mạnh về 2 bản quy hoạch này, Phó Cục trưởng Nguyễn Thanh Tùng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sau khi nhận được nhiều ý kiến góp ý của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 20/21 bộ, cơ quan ngang bộ, 28/28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển đối với Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. Các ý kiến của các bộ, ngành và địa phương đều thống nhất với nội dung của dự thảo Quy hoạch.
Đáng mừng nhất, trong các ý kiến tham gia chủ yếu tập trung vào nội dung phân vùng sử dụng tài nguyên vùng bờ và cập nhật, bổ sung, chuẩn hóa các thông tin, dữ liệu về hiện trạng... Bởi những nội dung này sẽ là tiền đề và sở cứ để các tỉnh thành có biển hoàn thiện nốt các nội dung trong bản “lắp ghép” quy hoạch tổng thể của các địa phương. Đáng chú ý, đa phần 28 tỉnh thành đều lấy chiến lược phát triển kinh tế biển là xương sống trong phát triển kinh tê – xã hội của mình.
Riêng với quy hoạch không gian biển, quy hoạch này “khó” hơn quy hoạch vùng bờ bởi việc phân chia không gian biển dựa theo ranh giới tự nhiên của các địa phương đã khó, phân định vùng biển Việt Nam với các nước láng giềng (ở cấp Chính phủ) thì ngay trong chính bản quy hoạch tổng thể, việc định danh khai thác các khu vực biển với thế mạnh của từng địa phương/ vùng biển dựa trên tài nguyên và phải thống nhất với quy hoạch tổng thể chung là việc không dễ dàng.
Ví dụ, nhiều địa phương muốn đẩy mạnh hoạt động nuôi biển nhưng khu vực nào phù hợp nuôi biển gần bờ, khu vực nào nên nuôi biển xa bờ cũng cần phân định. Hoặc việc “chia” không gian biển cho các thành phần kinh tế khác nhau để tránh sự chồng chéo, đồng thời phát huy được tối đa lợi thế của không gian mặt nước, lòng biển và thềm lục địa là việc cần phải tính toán kĩ lưỡng. Cũng ngay trong quy hoạch nội dung nuôi biển thôi, ở mỗi địa phương việc dành không gian mặt nước tại các khu bảo tồn cho nuôi biển kết hợp phát triển du lịch với tỉ lệ bao nhiêu cũng là bài toán cần cân nhắc.
Đi sâu hơn với bản Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ cũng vậy, theo điều tra cơ bản của Bộ NN&PTNT cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, vùng biển Việt Nam chứa khoảng 35 loại hình khoáng sản với trữ lượng khai thác khác nhau từ nhỏ đến lớn, thuộc các nhóm: nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và kháng sản lỏng. Điều tra mới nhất đã xác định có trên 300 mỏ và điểm quặng, điểm khoáng có hóa sắt, trên 59 mỏ điểm quặng titan.
Kết quả điều tra chỉ rõ, vùng bờ Việt Nam có trữ lượng titan - ilmenit (bao gồm cả zircon, monazite...) khoảng 600 triệu tấn. Trữ lượng cát thủy tinh của 13 mỏ đã được thăm dò khoảng 144 triệu m3 tập trung ở các tỉnh Nam Trung Bộ - đây là loại khoáng sản quan trọng cho sản xuất công nghiệp xây dựng. Hoặc mới đây, 6 khu vực có thể khai thác cát biển của tỉnh Sóc Trăng với trữ lượng khoảng gần 14 tỷ m3 cũng đang trở thành “cứu cánh” cho việc bổ sung nguyên vật liệu đắp nền cho các tuyến cao tốc ở miền Tây.
Không riêng Sóc Trăng, ở khu vực phía Bắc một số mỏ cát vật liệu xây dựng dưới đáy biển ở Quảng Ninh và Hải Phòng với trữ lượng trên 100 tỷ tấn và một dãy cát thạch anh ngầm dưới đáy biển Quảng Ninh (gần 9 tỷ tấn) cũng là nguồn tài nguyên quý giá cần được Việt Nam khảo sát kĩ càng và lên kế hoạch khai thác trong thời gian tới.
“Bên cạnh đó, tiềm năng nước biển cũng rất lớn, với các dạng năng lượng biển khác như: băng cháy, năng lượng thủy triều, năng lượng sóng, năng lượng hạt nhân nước nặng từ nước biển. Đặc biệt, tiềm năng dầu khí phân bố trong 6 bồn trầm tích và hoạt động khai thác dầu khí được duy trì tại 11 mỏ ở thềm lục địa phía Nam”, ông Tùng thông tin thêm.
Được biết, các số liệu ban đầu về tiềm năng khoáng sản nói trên được khảo sát trong Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đã tiến hành đo đạc, lập bản đồ được 147.330 km2 ở tỷ lệ 1:500.000, nhưng mới tương ứng khoảng 2,77% diện tích các vùng biển Việt Nam chủ yếu tập trung ở khu vực biển nông ven bờ, độ sâu từ 0 đến 100m nước. Do đó, việc khảo sát phần diện tích rất lớn không gian mặt nước, đáy biển còn lại cần nỗ lực của rất nhiều bộ ngành và các địa phương.
Hy vọng, sau khi 2 bản quy hoạch Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ và Quy hoạch không gian biển quốc gia được Quốc hội thông qua, việc khai thác quản lý tài nguyên - môi trường biển đảo của các địa phương sẽ trở lên thuận lợi hơn.