Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn ngày 27/9 cho hay bệnh nhân là anh T.T.C, 27 tuổi, ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Hơn 10 ngày trước, anh từ quê xuống thành phố Bắc Kạn làm công nhân tại một xưởng gỗ.
Hôm 25/9, anh C. xuất hiện mệt mỏi, đau cơ, co giật. Đến 21h cùng ngày, thấy tình trạng của anh càng lúc càng nặng, chủ xưởng gỗ đã đưa anh đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn. Lúc này, bác sĩ tiên lượng tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mức độ xấu, anh C. vẫn co giật, hoảng loạn.
Người nhà cho biết cách đây 1 năm, anh C. bị chó lạ cắn nhưng không đi tiêm huyết thanh phòng bệnh dại. Nghi ngờ anh C. mắc bệnh dại, ngày 26/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn và các bác sĩ Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện điều tra và lấy mẫu xét nghiệm, chuyển mẫu đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đang chờ kết quả.
Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn, vết cào, hoặc vệt liếm của con vật bị bệnh dại lên vùng da tổn thương. Dấu hiệu của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt. Người đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100%.
Theo các bác sĩ, trường hợp người phát bệnh dại sau nhiều năm bị chó, mèo cắn không hiếm. Thời gian phát bệnh dại phụ thuộc vào vị trí bị cắn. Theo đó, vị trí vết cắn càng gần thần kinh trung ương ở vùng đầu hoặc đầu dây thần kinh (đầu các ngọn chi), virus sẽ phát tán và tấn công lên não nhanh hơn, khiến bệnh phát nhanh hơn. Vì thế, người bị chó/mèo cắn ở vùng đầu mặt cổ cần tiêm huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt trong vòng 12 giờ sau khi bị cắn.
Ngược lại, một số người bị chó, mèo cắn, cào hoặc liếm vết thương hở, vết xước nhẹ, ở xa đầu các ngọn chi, xa thần kinh trung ương, có thể chủ quan và không tiêm phòng. Thậm chí, khi vết thương do chó, mèo cắn đã liền sẹo, người bệnh còn quên từng bị chó cắn, trong khi virus dại đã xâm nhập, vẫn từ từ đi lên não. Vài năm sau, người này đột ngột có triệu chứng bệnh dại và tử vong. Thực tế, có những trường hợp phát bệnh dại sau 2-4 năm bị chó, mèo cắn.