- Khoảng 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật và đặc biệt là bộ sưu tập gần 90 đầu báo, tạp chí cánh mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa đang được giới thiệu tại triển lãm chuyên đề “Sưu tập báo chí cách mạng Việt Nam 1925-1945.”

Chương trình đã chính thức khai mạc sáng nay (28/8) và dự kiến kéo dài đến hết năm 2015 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Tại đây, công chúng sẽ được xem lại những tờ báo tiêu biểu như Thanh niên, Búa liềm, Lao động, Dân cày, Sao đỏ, Đời nay, Việt Nam độc lập, Cờ giải phóng… với những số báo được phát hành đầu tiên.

{keywords}


Bên cạnh đó, bộ sưu tập truyền đơn thời kỳ tiền khởi nghĩa gắn với sự ra đời và hoạt động của Mặt trận Việt Minh, cao trào kháng Nhật cứu nước… cũng được trưng bày trong dịp này.

Đó là các truyền đơn của Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh, Việt Nam Công giáo kháng Nhật cứu quốc hội… kêu gọi binh lính Pháp phản chiến; kêu gọi đồng bào Việt Nam ủng hộ cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, không đi lính, không nộp thóc cho Nhật, gia nhập Việt Minh…

Những hiện vật, tài liệu trưng bày cho thấy, các loại báo, tạp chí và truyền đơn ở thời kỳ này được xuất bản bằng nhiều hình thức khác nhau: chép tay thành nhiều bản, viết mực tím trên giấy rồi in trên bàn thạch, đánh máy trên giấy sáp...

Theo tiến sỹ Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, báo chí cách mạng giai đoạn 1925-1945 góp phần quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào nước ta, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Báo chí đóng vai trò tích cực trong việc tập hợp và củng cố các lực lượng cách mạng, dân chủ chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc và phong kiến; góp phần trực tiếp phát động cao trào cứu quốc, chuẩn bị tổng khởi nghĩa thắng lợi, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

“Chương trình trưng bày chuyên đề ‘Sưu tập báo chí cách mạng Việt Nam 1925-1945’ nhằm giúp công chúng hiểu hơn về thời kỳ đầu đầy khó khăn, gian khổ nhưng cũng vô cùng sáng tạo của một thế hệ người làm báo cách mạng cũng như sự hy sinh của nhiều cơ sở cách mạng, quần chúng nhân dân trong việc bảo vệ, nuôi giấu cơ quan báo chí trong hoàn cảnh hiểm nguy những năm trước Cách mạng tháng Tám 1945,” tiến sỹ Nguyễn Văn Cường cho biết.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện hướng tới kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945-19/8/2015) và Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2015).

T.Lê