- 2017 là năm thành công về thoái vốn nhà nước tại các DN. Đặc biệt, rất nhiều thương vụ thoái vốn thành công với quy mô lớn như Sabeco, Vinamilk...
Thông tin từ Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, trong năm 2017, SCIC đã thực hiện bán vốn thành công tại 38 doanh nghiệp, trong đó bán hết vốn tại 36 DN, bán một phần vốn tại 02 DN; giá vốn 424 tỷ đồng, giá trị thu được là 932 tỷ đồng, gấp gần 2,2 lần giá vốn. Tính cả việc bán vốn lần đầu tại Vinamilk (5,4% vốn điều lệ), SCIC đã bán vốn thành công tại 38 doanh nghiệp, giá trị thu được là 21.208 tỷ đồng, gấp 19,1 lần giá vốn, chênh lệch bán vốn thu về 20.102 tỷ đồng.
Lũy kế từ khi thành lập đến nay, SCIC đã bán vốn tại 986 DN (trong đó bán hết vốn tại 885 DN, bán một phần vốn tại 82 DN) và bán quyền mua tại 19 DN với giá vốn là 8.084 tỷ đồng và thu về 27.999 tỷ đồng (gấp 3,5 lần giá vốn).
Đáng chú ý, ngày 10/11/2017, SCIC đã thực hiện thoái vốn thành công 3.33% số cổ phần tại Vinamilk với mức giá bình quân 186.000 đồng/cổ phần, cao hơn nhiều so với mức giá khởi điểm 150.000 đồng/cổ phần, thu về 8.990 tỷ đồng, chênh lệch trên 8.700 tỷ đồng.
Tính cả việc bán vốn lần đầu tại Vinamilk (5,4% vốn điều lệ), SCIC đã bán vốn thành công tại 38 doanh nghiệp, giá trị thu được là 21.208 tỷ đồng. |
Tính đến 31/12/2017, danh mục doanh nghiệp của TCT gồm 133 DN với giá trị vốn nhà nước gần 19.107 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 90.656 tỷ đồng. Trong đó có: 22 doanh nghiệp nhóm A1 chiếm tỷ trọng 63,55% giá trị vốn nhà nước, 9 doanh nghiệp nhóm A2 chiếm tỷ trọng 1,22% giá trị vốn nhà nước, 32 doanh nghiệp nhóm B1 chiếm tỷ trọng 26,16% giá trị vốn nhà nước và 70 doanh nghiệp nhóm B2 chiếm tỷ trọng 9,07% giá trị vốn nhà nước.
Để thực hiện chức năng quản lý vốn nhà nước tại DN, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng để thực thi việc thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Việc thành lập “siêu” ủy ban này sẽ được thực hiện ngay trong quý I/2018. Đáng chú ý, trong danh sách quản lý của “siêu” ủy ban này dự kiến có cả Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) – doanh nghiệp được thành lập với chức năng tương tự như của ủy ban.
Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC cho rằng, sẽ không chuyện SCIC có “chức năng chồng chéo” với “siêu” ủy ban quản lý vốn Nhà nước.
“Ủy ban và SCIC đều là cơ quan, doanh nghiệp trực thuộc Chính phủ. Sau này có khả năng SCIC cũng thuộc quản lý của Ủy ban. Chính phủ sẽ phân công nhiệm vụ hợp lý nhất để đạt mục tiêu sử dụng hiệu quả nhất vốn nhà nước tại các doanh nghiệp”, ông Chi nói.
Đông Hà