Đây là một trong các chỉ tiêu Bộ Y tế đặt ra trong Hướng dẫn thực hiện Nội dung 2 "Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", nhằm cải thiện sức khỏe của người dân tộc thiểu số về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ...

Hướng dẫn này thực hiện Dự án 7 - Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Bộ Y tế đặt mục tiêu tới năm 2025, 25% nam, nữ thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn tại các xã có triển khai can thiệp tại khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cả nước có 3.434 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc 51 tỉnh, thành. Trong số này có 1.673 xã khu vực I, 210 xã khu vực II và 1.551 xã khu vực III.

Vì sao nên tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn? 

Theo các bác sĩ và chuyên gia trong lĩnh vực dân số, kế hoạch hóa gia đình, việc tư vấn, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân mang lại rất nhiều lợi ích, được coi là bước đầu tiên, đảm bảo điều kiện "đầu vào" để nâng cao chất lượng dân số. Đặc biệt với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, việc tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân còn có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống vẫn còn xảy ra. 

Tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn giúp các bạn trẻ chuẩn bị kiến thức, tâm lý cho cuộc sống tình dục vợ chồng; chuẩn bị để có một cuộc sống tình dục thoải mái, thỏa mãn và an toàn nhất.

W-suckhoesinhsan-1-1.jpg
Cán bộ Trạm Y tế xã Đà Vị, huyện Na Hang, Tuyên Quang tư vấn về sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trẻ. 

Cùng đó, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân sẽ giúp đánh giá sức khỏe một cách tổng quát, phát hiện và điều trị sớm (nếu có) một số bệnh tật, đặc biệt là các bệnh lý di truyền (như thalassemia - tan máu bẩm sinh), bệnh phụ khoa, nam khoa, các bất thường hệ sinh dục hay bệnh lây truyền qua đường tình dục (như giang mai, lậu, HIV/AIDS, viêm gan B...) có thể ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai, sinh đẻ và chất lượng dân số về sau.

Cách thực hiện sinh đẻ có kế hoạch một cách hiệu quả nhất hay phòng ngừa các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho đứa con trong tương lai... cũng là kiến thức và lợi ích mà tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân mang lại. 

Dù tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân là một trong những yếu tố cần thiết, quan trọng giúp thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn được trang bị thêm kiến thức về chăm sóc sức khỏe để có cuộc sống hạnh phúc, nhưng thực tế nhiều người vẫn còn tâm lý e ngại khám sức khỏe trước khi kết hôn.

Một số người do sợ nếu phát hiện bệnh sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi, thậm chí có người còn cho là chỉ nghi ngờ nhau mới phải khám. Hoặc có nhiều bạn nữ muốn đi khám nhưng lại sợ bạn bè và người thân dị nghị. Tất cả những suy nghĩ này vô hình chung đã tạo nên rào cản khiến ý nghĩa của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân trở thành nỗi lo sợ, ám ảnh đối với nhiều bạn trẻ.  

Ngoài tâm lý, theo Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), nhiều đối tượng là vị thành niên, thanh niên chưa ý thức được tầm quan trọng của khám sức khỏe tiền hôn nhân nên việc tổ chức khám còn gặp nhiều khó khăn. 

Theo khuyến cáo, các cặp đôi trước khi kết hôn nên đi khám sức khỏe tối thiểu 3-6 tháng để có sức khỏe tốt, có nhiều thời gian chuẩn bị cho việc có con.  

Nội dung 2, Dự án 7 tập trung vào các hoạt động chủ yếu sau:

- Truyền thông, vận động chính sách, pháp luật về dân số, hôn nhân và gia đình; tổ chức tư vấn chuyên môn tại cộng đồng về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục về tảo hôn, hôn nhân cận huyết và bệnh tan máu bẩm sinh...

- Hỗ trợ nam, nữ thanh niên thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn

Niềm vui giản đơn của bác sĩ vùng cao

Niềm vui giản đơn của bác sĩ vùng cao

Đối với những bác sĩ vùng cao, niềm vui trong công việc đơn giản chỉ là người dân từng bước thay đổi trong nhận thức về chăm sóc sức khỏe, không trông chờ vào thầy lang thiếu uy tín hay cúng bái.
Trần Chung và nhóm PV