Dịch vụ “Trải nghiệm quan tài” của quán cà phê ở Nhật Bản hay trải nghiệm việc chết thử chân thực đến không ngờ là những dịch vụ tưởng chừng vô lý nhưng đang thịnh hành ở một số nước trên thế giới.

Dùng thử quan tài

Akira Okomoto ngồi dậy, trèo ra khỏi một chiếc quan tài và nói: “Thật là thư thái”. Sau đó đến lượt cô con gái 27 tuổi của ông, Miwa, lo lắng bước vào và nằm trong chiếc quan tài trong vòng 5 phút.

Nghe thật kỳ lạ, nhưng đó là cảnh tượng diễn ra trong một quán café ở miền đông Tokyo - nơi rất nhiều người tụ tập để nghe bài phát biểu của một chuyên gia hậu sự và thử dịch vụ “Trải nghiệm quan tài” của quán. Ông chủ Masumi Murata cho rằng trải nghiệm này sẽ giúp mọi người “trân trọng mỗi ngày và nhận ra điều gì thực sự quan trọng” bằng việc suy nghĩ đến cái chết của chính mình.

{keywords}

Dịch vụ dùng thử quan tài đang phát triển rầm rộ ở Nhật Bản

Trận động đất và sóng thần năm 2011 ở Nhật Bản đã giết chết hơn 15.000 người. Mặt đất bên dưới 36 triệu dân Tokyo thỉnh thoảng ầm ào bởi các trận động đất nhỏ. Nhật Bản là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Ở đây ngày càng có nhiều người, cả già lẫn trẻ, sống một mình.

Tất cả những điều này khiến câu chuyện về cái chết trở nên phổ biến ở Nhật Bản, thúc đẩy một loạt các công ty như Aeon hay Yahoo Japan gia nhập vào ngành công nghiệp chuyên lo chuyện hậu sự cho mọi người, được biết đến với tên gọi “shukatsu”.

“Sổ trăn trối”

Từ cuối năm 2010 đến nay, công ty văn phòng phẩm Kokuyo đã bán được hơn nửa triệu cuốn sổ tay “trăn trối”có giá 1.550 yên. Không chỉ người già, mà cả những người trong độ tuổi 20 và 30 cũng đang sử dụng các cuốn sổ này để ghi chép tài khoản ngân hàng, những ước nguyện cuối và những thông tin cần thiết trong đám tang của họ, đặt ở một nơi mà người khác có thể dễ dàng tìm thấy.

“Sổ trăn trối” cũng dần trở nên phổ biến với những người già. Tại khu chung cư Tokiwadaira Danchi ở tỉnh Chiba miền đông Tokyo, 44% người dân của hơn 5.300 hộ đã bước qua tuổi 65. Ban quản lý khu chung cư yêu cầu người dân cung cấp các thông tin về bản thân họ cũng như các vấn đề về sức khỏe và thậm chí là ước nguyện của họ về đám tang để đề phòng trường hợp không ai liên lạc được.

Được biết, có đến 80.000 người đã đăng ký dịch vụ lên kế hoạch cho cái chết của mình ở Aeon, công ty chuyên lo chuyện hậu sự tại Nhật Bản, tăng 10.000 so với năm ngoái. Cổ phiếu của Aeon cũng tăng 35% trong 2 năm trở lại đây, so với mức 26% của Topix và Nikkei.

Lễ hội chết thử ở Tây Ban Nha

Một lễ hội chết thử tương tự khác phải kể tới là lễ hội La fiesta de la Santa Marta de Ribarteme được tổ chức hàng năm tại một thị trấn ở Tây Ban Nha. Tại đây, những người đã từng may mắn thoát chết trong vòng 1 năm qua sẽ nằm vào trong quan tài để người thân của mình khiêng đi khắp thị trấn.

Lễ hội được cho là nhằm mục đích vinh danh nữ thánh Marta de Ribarteme, vị thánh đã cứu giúp người chết sống lại. Khi đoàn diễu hành đi qua, chuông nhà thờ bắt đầu đổ, những cỗ quan tài được đưa đến khu nghĩa trang của thị trấn, rồi quay trở lại nhà thờ sau đó.

Sau nghi lễ, tất cả cùng mở tiệc và nhảy múa hát ca tưng bừng. Những người nằm trong quan tài sẽ kể lại những trải nghiệm và cảm xúc của mình khi được người thân của mình khiêng tới nghĩa trang.

Đám cưới chết thử ở Thái Lan

Nghi lễ độc đáo này dành cho các cặp vợ chồng mới cưới ở Thái Lan nhằm thể hiện sự gắn bó mãi mãi với nhau. Các cặp đôi này quan niệm rằng nghi lễ này sẽ mang lại một tình yêu đích thực, cuộc sống giàu có và may mắn sau khi kết hôn.

{keywords}

Nghi lễ độc đáo này dành cho các cặp vợ chồng mới cưới ở Thái Lan nhằm thể hiện sự gắn bó mãi mãi với nhau.

Khi cặp vợ chồng nằm vào quan tài, những nhà sư sẽ đậy một tấm vải trắng lớn trên miệng quan tài - một nghi lễ truyền thống trong những đám tang ở Thái Lan.

Tấm vải trắng được bỏ ra khi nghi lễ kết thúc và từ đây, cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và đầy may mắn của đôi vợ chồng trẻ bắt đầu.

Lễ hội chết thử ở Nhật Bản

Tại Tokyo, Nhật Bản có một lễ hội thú vị được tổ chức hàng năm và được rất nhiều người yêu thích đó là lễ hội chết thử Shakatsu Festa.

Lễ hội này được xem là nơi giúp cho tất cả mọi người có thể trải nghiệm được các "giai đoạn" trong chính đám tang của mình, từ tắm rửa, thay quần áo cho tới trang điểm, búi tóc, tẩm liệm…

Người Nhật cũng không cho rằng thử nghiệm tang lễ của chính mình là điềm gở hay xui xẻo gì mà ngược lại, họ rất coi trọng nghi lễ tiễn biệt người đã khuất và thực sự biết trân trọng cuộc sống của mình hiện tại.

Dịch vụ chết thử ở Trung Quốc

Một dịch vụ ở Trung Quốc giúp cho người sống có thể cảm nhận một cách chân thực những điều sẽ diễn ra khi họ chết. Dịch vụ này được gọi là Samadi - trải nghiệm cái chết 4D với những thử thách đối mặt với cái chết cận kề.

Những người thua cuộc sẽ bị coi như đã chết và phải nằm trong quan tài, sau đó được chuyển vào trong một nhà hỏa táng giả. Nhiệt độ trong hòm sẽ nóng lên đến 40 độ C, cùng hệ thống thắp sáng khiến cho người chơi cảm thấy như mình đang bị... hỏa táng thật.

Sau khi "hỏa táng" xong, du khách sẽ được đưa đến một nơi được thiết kế mềm mại, tròn tròn giống như trong một cái kén. Đây được xem như lộ trình của sự tái sinh con người.

Phòng thử nghiệm cái chết ở Hàn Quốc

Thử nghiệm cái chết hiện đang là trào lưu thịnh hàng ở Hàn Quốc. Theo đó, bạn chỉ cần bỏ ra 25 USD (khoảng hơn 500.000VNĐ) là có thể trải nghiệm không khí chết chóc trong quan tài. Mục đích của trào lưu này giúp những người có ý định tự tử thấu hiểu hơn giá trị của cuộc sống hiện tại.

Người ta tin rằng, chỉ cần vài tiếng đồng hồ trong quan tài với ánh nến vàng hiu hắt, cảm giác cô độc, hối hận, đau khổ… sẽ mang lại một cảm giác khác lạ khiến cho người ta cảm thấy quý trọng cuộc sống hiện tại của mình hơn.

Họ cũng tin rằng, trải nghiệm này giúp giảm tỷ lệ tự tử ở Hàn Quốc, một trong những nước có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới.

(Theo VTC News)