Bảng xếp hạng đại học thế giới năm 2023 có gần 1.500 trường đại học tham gia (tăng khoảng 120 trường so với năm 2022) và trở thành bảng xếp hạng lớn nhất từ trước tới nay của QS.
Mỹ tiếp tục là quốc gia của các trường đại học hàng đầu thế giới với 5 trường vào top 10 - cũng là 5 trường từng lọt top 10 vào năm ngoái - gồm: Học viện Công nghệ Massachusetts, ĐH Stanford, ĐH Harvard, Viện Công nghệ California và ĐH Chicago.
Trong đó, Viện Công nghệ Massachusetts tiếp tục giữ vị trí hàng đầu thế giới và cũng là trường đạt điểm tuyệt đối 100 trong các đánh giá. Đây cũng là vị trí mà MIT đã giữ vững trong nhiều năm qua.
Trong top 5, ngoài 3 ngôi trường của Mỹ, có 2 trường đại học của Anh, gồm ĐH Cambridge đứng thứ hai - tăng một bậc so với năm 2022 và ĐH Oxford đứng vị trí thứ 4 - giảm 2 bậc so với năm 2022.
Tính riêng châu Á, ĐH Quốc gia Singapore xếp hạng cao nhất với vị trí 11 thế giới. Trung Quốc cũng có 2 đại diện xếp thứ hạng cao, gồm ĐH Bắc Kinh - vị trí thứ 12 và ĐH Thanh Hoa - vị trí thứ 14.
Việt Nam có 3 đại học, trường đại học nằm trong nhóm 801-1.000 đại học tốt nhất thế giới, gồm: Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội.
Trong đó, đây là lần đầu tiên Trường ĐH Duy Tân góp mặt trong bảng xếp hạng này và cũng là trường đại học tư thục duy nhất của Việt Nam đạt được thành tích cao như vậy.
Năm 2023 năm thứ 3 liên tiếp hai trường ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội nằm trong nhóm 801–1.000.
Ngoài 3 đại diện lọt top 1.000, Việt Nam còn có Trường ĐH Tôn Đức Thắng thuộc nhóm 1.001-1.200; Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nằm trong nhóm 1.201-1.400.
Bảng xếp hạng của QS năm 2023 đánh giá các trường dựa trên 8 tiêu chí. Trong đó, 6 tiêu chí đã được giữ ổn định qua nhiều năm, bao gồm: danh tiếng học thuật, danh tiếng với nhà tuyển dụng, tỷ lệ giảng viên/sinh viên, tỷ lệ trích dẫn bài báo/giảng viên, tỷ lệ giảng viên quốc tế và sinh viên quốc tế.
Hai tiêu chí được bổ sung trong bảng xếp hạng năm 2023 là mạng lưới nghiên cứu quốc tế và đầu ra được tuyển dụng.
Thúy Nga