Ba hãng thông tấn đang tiến hành khởi kiện Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) để biết cơ quan này đã bẻ khóa chiếc iPhone của một trong những kẻ xả súng thảm sát ở San Bernardino, bang California hồi năm ngoái, như thế nào.

{keywords}

Theo báo USA Today, các hãng thông tấn Vice, AP và Gannett (cơ quan chủ quản của báo USA Today) đang tìm hiểu các chi tiết về công cụ bẻ khóa iPhone mà FBI đã sử dụng cũng như việc chính phủ Mỹ đã trả bao nhiêu cho việc đó. FBI đã từ chối cung cấp thông tin cho truyền thông thoe Đạo luật tự do thông tin.

Trong đơn kiện, 3 hãng thông tấn nêu rõ, công chúng có quyền được biết cách chính phủ Mỹ tiêu tiền đóng thuế của người dân như thế nào để có được kỹ thuật hack. Theo họ, sự tồn tại của một lỗ hổng bí mật ở iPhone có thể đẩy công chúng đến nguy hiểm. "Việc FBI mua công nghệ .... xác thực sự tồn tại của một lỗ hổng an ninh nghiêm trọng, chưa từng được tiết lộ ở một trong các sản phẩm tiêu dùng phổ biến nhất trên thế giới", trích đơn kiện của Vice, AP và Gannett.

Trong một tiết lộ gây sửng sốt hồi tháng 3 năm nay, Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố đã nhờ được bên thứ ba giúp các mật vụ xâm nhập thành công vào chiếc iPhone 5C của Syed Farook, một trong các tay súng trong khủng bố San Bernardino, cướp đi sinh mạng của 14 người và làm 21 người khác bị thương hồi tháng 12/2015. Động thái này đã đột ngột chấm dứt vụ tranh chấp pháp lý giữa nhà chức trách Mỹ với Apple về việc liệu một tòa án có thể ra lệnh cho một công ty tạo ra phần mềm vi phạm chính sách bảo vệ sự riêng tư của họ hay không.

Trước đó, bất chấp sức ép từ chính phủ, Apple vẫn nhất quyết chống lại yêu cầu của FBI về việc chỉnh sửa hệ điều hành iOS, cho phép cơ quan điều tra "bẻ khóa" chiếc iPhone 5C của tay súng Farook.

Cuộc chiến về chiếc iPhone của tên khủng bố đã làm dấy lên một cuộc tranh luận nảy lửa giữa những người ủng hộ các quyền tự do công dân với bên hành pháp. Câu hỏi cốt lõi đặt ra là, liệu thông tin trên điện thoại và máy tính có cần được mã hóa toàn bộ để duy nhất người dùng có thể giải mã và đọc nó hay không. Những người ủng hộ việc mã hóa lập luận, đây là điều thiết yếu cho việc bảo vệ dữ liệu người dùng an toàn trước các hacker cũng như cho phép tự do ngôn luận trên Internet. Trong khi đó, các quan chức hành pháp cho rằng, việc mã hóa không phá giải được sẽ ngăn họ tiếp cận những bằng chứng thiết yếu trong các vụ án.

Apple và FBI hiện từ chối bình luận về đơn kiện của Vice, AP và Gannett.

Tuấn Anh (Theo CNET)