Chị Nguyễn Hoài Thu (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết ngay từ trước bão, gia đình chị đã mua lượng lớn thực phẩm về tích trữ gồm thịt, thủy hải sản và rau củ quả.

Sau bão, chị Thu đã đi sắm thêm rất nhiều vì lo lắng ngập lụt không mua được thực phẩm. Chiếc tủ lạnh 360 lít của gia đình không đủ sức chứa hết. Chị phải nghĩ cách cố gắng nhồi nhét rau củ, thịt cá vào tủ.

“Việc tích trữ quá tải rất phiền hà và không đảm bảo chất lượng thực phẩm nhưng gia đình 6 thành viên nên phải dự phòng”, người phụ nữ này phàn nàn.

Theo Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa (Hà Nội), nhiều người cho rằng thực phẩm mua về tích trữ vào tủ lạnh sẽ dùng được lâu nhưng đây là suy nghĩ sai lầm. Trong thiên tai mưa bão, việc tích trữ được khuyến cáo áp dụng nhưng chỉ ở mức độ vừa phải, đảm bảo an toàn và dinh dưỡng.

Nếu người dân không biết bảo quản, phân loại, chiếc tủ lạnh trở thành môi trường mất an toàn thực phẩm nhất.

rau muong.png
Với các loại rau củ quả, người nội trợ nên giữ khô khi bảo quản. 

Vị chuyên gia này cảnh báo người dân không nên tích trữ quá nhiều. Khi mua thực phẩm cần lưu ý những cách bảo quản như:

1. Rau củ quả đặt vào ngăn mát nhiệt độ từ 0-10 độ C. Thời hạn bảo quản rau rất ngắn, nên giữ khô, không rửa trước khi cho vào tủ. Hạn chế dùng các bao nilon để bọc rau, củ, quả. Bạn thay bằng các túi zíp chuyên dụng hoặc dùng giấy sạch gói rau, củ quả đảm bảo tươi ngon lâu hơn.

2. Thịt, cá, hải sản phải bảo quản ngăn đông để ức chế vi khuẩn phát triển, giữ thực phẩm tươi lâu. Tuy nhiên, bạn cần chia nhỏ các phần thịt, cá để dùng từng bữa, không nên rã đông thực phẩm xong lại cất lại vào tủ lạnh. Những thực phẩm cấp đông chỉ nên lưu trữ 7-10 ngày, để lâu làm mất đi hàm lượng dinh dưỡng đồng thời sinh ra nhiều chất gây hại.

3. Các loại đồ khô, thực phẩm ăn liền không cần lưu trữ trong tủ lạnh. Khi mua về, người dân nên đọc hướng dẫn bảo quản, để ở khu vực thoáng, tránh nấm mốc, côn trùng. Các loại thực phẩm chế biến sẵn như cá hộp, thịt hộp patê... cần xem kỹ thời thời hạn sử dụng, thành phần phụ gia ngăn ngừa tình trạng ngộ độc các vi khuẩn yếm khí trong đồ hộp.

4.  Người dân không nên mua thực phẩm không có nguồn gốc, thực phẩm kém chất lượng, rau củ quả dập nát, thực phẩm bày dưới sàn đất bẩn, thực phẩm chứa chất bảo quản. Các loại thịt nên chọn màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, vết cắt có màu sắc bình thường, không chọn thịt thâm đen, nhớt, có mùi lạ, ôi thiu.

Người tiêu dùng nên mua thực phẩm ở nơi uy tín như siêu thị, nơi đảm bảo nhiệt độ bảo quản an toàn. Nếu mua thực phẩm ở chợ truyền thống, bạn nên chọn nguồn hàng quen, tránh các quầy gần cống rãnh, rác thải, nơi bày thực phẩm lộn xộn, dễ nhiễm khuẩn chéo. 

Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời gian này, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường. Các loại lương thực, thực phẩm, nước uống do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ người dân vùng lũ lụt cần kiểm tra để đảm bảo không bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng. 

Các địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực, hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn.