Cần nhìn xa cho sự nghiệp. Nguồn ảnh: Pexels

Các nhân viên ở cấp quản lý đội nhóm trở lên có xu hướng nhảy việc mỗi 3 năm, nhưng không phải ai cũng tìm được công việc mới tốt hơn công việc cũ. 

Một khảo sát thực tế với hơn 1000 giám đốc điều hành, những người lãnh đạo các tập đoàn lớn ở châu Âu và Mỹ cho thấy: trung bình các CEO làm việc cho 3 doanh nghiệp trong suốt sự nghiệp của họ. Mặc dù việc trung thành cả đời cho một cơ quan đang ngày càng hiếm, nhưng 1/4 trong số đó đã dành cả sự nghiệp cho một công ty duy nhất. 

Thực tế, người càng gắn bó với một công ty nhiều năm thì càng có cơ hội vươn lên dẫn đầu. 

Giá trị của lòng trung thành

Đa số các công ty muốn bổ nhiệm các nhân sự lâu năm vào vị trí quản lý hơn so với tuyển bên ngoài. Lý do là vì họ hiểu rõ nhân sự và ít rủi ro về hiệu quả công việc hơn so với một người mới hoàn toàn. Sự ổn định trong công việc cũng được coi trọng như chỉ số hiệu suất và năng lực. 

Thậm chí, có nhà tuyển dụng coi 3 năm đầu của một nhân sự tại một công ty “chưa nói lên điều gì”, vì thời gian đó chưa đủ để nhân sự làm nên tác động đáng kể đối với sự phát triển của công ty. Người mới sẽ cần nhiều thời gian hơn để dần nắm bắt các vai trò có tác động cụ thể đến chính sách và kết quả kinh doanh. Trong khi các thành tích, khen thưởng, sự công nhận ở người cũ thường dễ hơn so với một người chóng đến chóng đi.

Không nhất thiết phải ở vị trí cao hơn

Ai cũng muốn sự nghiệp theo một quỹ đạo đi lên nhưng nếu chỉ chọn vị trí mới cao hơn vị trí cũ, có thể bạn đang giới hạn khả năng phát triển sự nghiệp của chính mình.

Không phải lúc nào cũng có công ty lớn tuyển dụng chức danh cấp cao (tỉ lệ sẽ hiếm hơn chức danh chuyên môn thông thường). Vì thế, khi nhảy việc, nhiều người lựa chọn: hoặc một chức danh tốt hơn với nhiều trách nhiệm hơn hoặc chức danh bình thường nhưng cung cấp cho bạn cơ hội học hỏi tốt hơn. Tận dụng điều đó có thể giúp bạn tiến lên một vị trí hứa hẹn hơn trong tương lai. 

 Vị trí mới có cho bạn cơ hội học hỏi nhiều hơn? Nguồn ảnh: Pexels

Ví dụ, bạn từng là một quản lý chỉ chịu trách nhiệm về năng suất của một bộ phận nhưng hiện đã trở thành chuyên gia và chạy như con thoi giữa nhiều bộ phận khác nhau để đảm bảo dự án vận hành hiệu quả. Nếu thể hiện tốt, bạn có thể được cân nhắc vị trí điều hành cao hơn so với ở công ty cũ. 

Thực tế việc chuyển sang một ngành khác cũng giúp nhân sự có thể mở rộng các chuyên môn có sẵn cũng như có thêm mạng lưới khách hàng giá trị, mở ra cơ hội điều hành cả dự án/ tổ chức lớn trong tương lai.

Nâng cao năng lực tại bến đỗ mới

Khi chuyển từ một công ty thuộc top cao trên thị trường sang một công ty nhỏ vì lời hứa chức vụ và lương bổng cao hơn, bạn cần dự kiến trước các cơ hội và nguy cơ. 

Các nhà tuyển dụng có thể đánh đồng tên thương hiệu của công ty cũ với kiến ​​thức và kỹ năng của bạn. Họ cho bạn cơ hội việc làm tốt hơn một phần vì lý do bạn đã làm ở công ty lớn. Nhưng cơ hội đó có xứng đáng không? Bạn có nhiều cơ hội học hỏi, cọ xát với nghề và thị trường hơn không? Nếu lợi thế duy nhất là chức danh và mức lương tốt thì đó có thể là bước thụt lùi trong sự nghiệp. 

Khi phải rời công ty cũ vì lý do nào đó, bạn có thể sẽ gặp khó khăn khi tìm một vị trí tương xứng với kỳ vọng. Vì một thời gian bạn không tiến triển nhiều về kinh nghiệm, kỹ năng, lại ở một công ty không tên tuổi có thể khiến các nhà tuyển dụng đánh giá thấp năng lực. Khả năng bạn quay trở lại với một công ty lớn cũng sẽ bị hạn chế. Vì vậy, nếu muốn chuyển việc, bạn hãy đảm bảo bản thân có thể phát triển về năng lực, chứ không chỉ chức vụ.

Như vậy, không quan trọng là bạn làm gì, ở đâu, mà là làm như thế nào và gặt hái được gì từ đó? Liệu đó có phải là nấc thang đi lên cho sự nghiệp của bản thân không? Hãy bình tĩnh xem xét từng nước đi với đôi mắt khách quan và tầm nhìn xa để đưa ra lựa chọn phù hợp với tham vọng sự nghiệp.

(Theo CareerBuilder)