Các cảnh nền trong The Dog and the Boy được tạo bằng AI. Ảnh: Netflix.

Ngày 31/1, Netflix phát hành một bộ phim hoạt hình ngắn trên kênh YouTube của công ty cho thị trường Nhật Bản. Tác phẩm có tên The Dog and the Boy kể về hành trình của một chú chó robot và người bạn đồng hành của nó, bị chia cắt bởi chiến tranh. Mãi về sau, họ mới được đoàn tụ khi người đàn ông đã già.

Hình ảnh, âm thanh hay nội dung của bộ anime không có gì nổi trội. Nhưng đây là hồi chuông báo động cho công việc của hàng nghìn họa sĩ hoạt họa ở Nhật Bản.

AI de doa anime anh 1

Đạo diễn bộ phim trong quá trình sản xuất The Dog and the Boy. Ảnh: Netflix.

Phim hoạt hình có sự tham gia của AI

Toàn bộ cảnh nền của bộ phim nói trên được hoàn thiện bởi AI. Công nghệ tương tự những giải pháp từng gây tiếng vang như Stable Diffusion hay Midjourney. Trong một bài đăng trên mạng xã hội, Netflix mô tả bộ phim này như một thử nghiệm để hỗ trợ ngành công nghiệp anime đang thiếu nhân lực.

Hiện Netflix chưa công bố giải pháp của họ được thực hiện ra sao, với đầu vào dữ liệu thế nào. Theo đoạn phim hậu trường, bố cục chung của nền cần được tạo trước để máy tính làm việc trên đó. Các khung hình chính là cảnh nông thôn Nhật Bản khi chuyển mùa.

Netflix là nhà đầu tư lớn cho ngành anime Nhật Bản với túi tiền rủng rỉnh. Tác phẩm The Dog and the Boy có cả sự đóng góp của Wit Studio, một công ty có tiếng trong ngành, từng sản xuất nhiều phần Attack on Titan.

Công nghệ AI được áp dụng cung cấp bởi Rinna, một startup trí tuệ nhân tạo của Nhật Bản. Năm 2022, doanh nghiệp này phát hành công cụ khởi tạo hình ảnh với đầu vào là tiếng Nhật.

Ông Ryotaro Makihara, Đạo diễn của The Dog and the Boy cho rằng phần lợi ích từ hệ thống AI của Rinna là cho phép các nhà làm phim hoạt hình tiết kiệm công sức. Qua đó, họ có thể dành thời gian cho những yếu tố phức tạp hơn.

“Bằng cách kết hợp công nghệ và vẽ tay, tôi nhận ra rằng chúng ta nên tập trung vào phần chỉ con người làm được”, ông Makihara cho biết trong thông báo ra mắt bộ phim. Điều này đồng nghĩa AI làm được việc vẽ nền với chi phí thấp hơn họa sĩ. Do đó, những nhân lực đang làm công việc này có thể bị đẩy khỏi vị trí của mình.

Nỗi lo bị AI thay thế

Sau khi tác phẩm được công bố, nhà sản xuất nhận phải làn sóng chỉ trích từ người hâm mộ và các họa sĩ. RestofWorld nhận định rằng điều này phản ánh sự sợ hãi khi AI có thể chiếm đoạt công việc của nhiều người.

“Rất nhiều họa sĩ anime đang sợ hãi”, Zakuga Mignon, một lao động trong ngành hoạt hình Nhật Bản chia sẻ. Hashtag #SupportHumanArtists đề xuất bởi người này, được hưởng ứng trên mạng xã hội sau khi The Dog and the Boy xuất hiện.

Công nghệ trực tiếp đe dọa công việc của các họa sĩ chuyên vẽ phông nền. Đây là lớp nhân lực dễ bị thay thế và thu hẹp quy mô. Một lần nữa AI trở thành mối nguy cho sự nghiệp của nhiều người.

Netflix hiện chưa có phản hồi chính thức cho vụ việc này. Trong khi đó, ông Taiki Sakurai, nhà sản xuất chính của bộ phim thể hiện sự lạc quan cho giải pháp. “Chúng tôi hy vọng sẽ góp phần nâng cao và cải thiện sự linh hoạt cho ngành anime trong tương lai”, ông Sakurai nói.

Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng giải pháp này dần đưa sự đầu tư vào sai chỗ. Đồng thời, sản phẩm cuối cùng có thể bị thay đổi theo hướng tệ hơn.

“Các nghệ sĩ vẽ nền là một phần quan trọng trong quy trình sản xuất phim hoạt hình, đòi hỏi kỹ năng cao”, Elena Altheman, thành viên nhóm nghiên cứu The Platform Lab của Đại học Concordia trả lời RestofWorld.

Trong ngành công nghiệp anime, những họa sĩ vẽ hậu cảnh thường bị đánh giá thấp, xếp hạng dưới trong dây chuyền với mức độ sáng tạo ít. Bất chấp việc họ đóng góp phần quan trọng trong cái nhìn về tác phẩm cuối.

Đồng thời, bà Elena Altheman cho rằng thực tế ngành anime không thiếu nhân lực. Vấn đề là những lao động bậc thấp chỉ nhận lương bèo bọt trong môi trường làm việc tệ hại.

“Các họa sĩ đã vượt qua giới hạn sức chịu đựng để theo kịp nhu cầu của ngành. Nhưng họ không cách nào cạnh tranh với AI vẽ được 600 cảnh mỗi ngày”, nghệ sĩ Mignon nói.

(Theo Zing)