Với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, các chính sách ưu đãi của Chính phủ trong thời gian vừa qua đối với công nghiệp hỗ trợ, lực lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã gia tăng đáng kể.
Theo Bộ Công Thương, số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam ngày càng được cải thiện rõ rệt. Đến nay, Việt Nam đã có trên 3.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang hoạt động, tạo việc làm cho hơn 550 nghìn lao động trực tiếp.
Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phần nào đáp ứng khá tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.
Một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước ngày càng tích cực sử dụng các công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, trở thành nhà cung cấp cho các công ty đa quốc gia.
Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới.
Việc tổ chức thực hiện một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ còn nhiều vướng mắc, thiếu nhất quán và chưa ổn định.
Các chính sách phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được ưu tiên phát triển nhằm tạo thị trường cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cũng chưa đạt được những kết quả như mong muốn.
Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Khả năng tự cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ còn nhiều bất cập.
Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn nhiều hạn chế về năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật; thiếu nguồn lực để đổi mới; chưa đủ năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Đặc biệt, Việt nam còn thiếu các doanh nghiệp đầu tàu, đủ khả năng dẫn dắt các lĩnh vực CNHT phát triển.
Việt Nam có 550.000 lao động làm việc tại các DN CNHT |
Do vậy, vai trò của các doanh nghiệp đầu tàu là vô cùng quan trọng, để tạo ra thị trường, tạo ra cơ hội cho CNHT.
Nếu doanh nghiệp đầu tàu không tha thiết phát triển CNHT trong nước, họ sẽ tìm những nhà cung ứng quốc tế giá rẻ hơn, trong khi chúng ta đi sau, thiếu năng lực, sẽ vô cùng khó khăn.
Ngược lại, nếu doanh nghiệp đầu tàu thực sự quan tâm, họ sẽ bằng lợi thế về vốn, quy mô sản xuất, thị trường, công nghệ… tạo ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước cùng phát triển.
Điều này cũng sẽ giúp chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu tàu ổn định, bền vững hơn, trong bối cảnh dịch bệnh, thương mại toàn cầu có nhiều diễn biến phức tạp.
Nhận thức rõ vai trò của công nghiệp hỗ trợ cũng như những thuận lợi, khó khăn trong phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt nam chủ trương phát triển công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở huy động nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.
Theo đó, sẽ khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, thực hiện vai trò đầu tàu, “kéo” các doanh nghiệp khác trong chuỗi giá trị cùng phát triển.
Hiện nay, Samsung là nhà đầu tư lớn nhất Việt Nam, với 6 nhà máy và 1 trung tâm nghiên cứu phát triển, tổng mức đầu tư hơn 17,3 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 59 tỷ USD, thu hút gần 130 ngàn lao động. Tập đoàn Samsung đã hưởng ứng mạnh mẽ bằng những chương trình hành động thực tế, hiệu quả để cùng Chính phủ Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực hoạt động của Samsung.
Mới đây, tại buổi ký hợp tác phát triển nhà cung cấp tại Bắc Ninh giữa tỉnh Bắc Ninh, Bộ Công Thương và tập đoàn Samsung, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đề nghị, Samsung phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các địa phương xác định rõ hướng đi, lộ trình cho doanh nghiệp Việt Nam để dần tham gia vào chuỗi giá trị của Samsung, giúp doanh nghiệp Việt Nam xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ của mình. Đồng thời, Samsung cũng đứng ra kết nối giữa các doanh nghiệp hỗ trợ cấp thấp với doanh nghiệp cấp cao hơn trong cả chuỗi giá trị của mình.
UBND Bắc Ninh và Bộ Công Thương phải làm tốt vai trò của cơ quan quản lý, triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển, đảm bảo và huy động nguồn lực hiệu quả để triển khai thực hiện chính sách đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển.
Thu Ngân