Đây là các con số thống kê khá thú vị được đưa ra trong báo cáo “Xu hướng năm 2024” do Booking.com công bố ngày 7/11.
Theo đó, với xu hướng về “kỳ nghỉ chữa lành”, nhiều du khách Việt Nam muốn dành thời gian trong lịch trình nghỉ dưỡng để tự chữa lành sau những biến cố tình cảm.
Cụ thể, 38% số du khách được khảo sát, sẽ đi du lịch để quên đi mối tình tan vỡ; 62% dành thời gian kỳ nghỉ để tìm tình yêu mới. Ngoài ra, có tới 67% số người dành trọn chuyến du lịch năm 2024 chỉ để được… ngủ.
Báo cáo cũng chỉ ra, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, năm sau, du khách sẽ dùng nhiều cách để tiết kiệm khi đi du lịch. 48% dự định chọn địa điểm du lịch có sinh hoạt phí thấp hơn nơi mình đang sống.
Bên cạnh đó, với nhiệt độ toàn cầu tăng, người đi du lịch tìm kiếm những điểm đến giúp họ trốn chạy khỏi cái nóng. Trong kế hoạch du lịch năm 2024, 82% du khách Việt Nam cho biết, sẽ lựa chọn những địa điểm gần biển, có sông nước.
Du lịch Việt, đi đâu cũng na ná giống nhau
Tại sự kiện, nói về ngành du lịch trong nước, ông Nguyễn Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM đánh giá, mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023 của Việt Nam đã đạt được.
Tuy nhiên, nếu so sánh với các nước quen thuộc thì chúng ta đang đi sau. Đơn cử, năm nay, Thái Lan dự kiến đón tới 25 triệu khách quốc tế. Singapore hay Malaysia cũng đang có những điều chỉnh quan trọng để hút du khách.
Năng lực cạnh tranh điểm đến của Việt Nam so với các nước cũng là vấn đề đáng bàn. Rõ ràng, biển Pattaya (Thái Lan) không hơn gì nhiều các bãi biển Việt Nam nhưng luồng khách tới họ đông, khách tới không chỉ tắm biển, mà còn sử dụng dịch vụ đi kèm.
Ngược lại, khách tới Việt Nam tắm xong rồi về, không có gì trải nghiệm. Cùng với đó, sản phẩm du lịch các tỉnh na ná giống nhau, đi đâu cũng vậy.
“Cuộc thảo luận nào cũng bàn về vấn đề trên, tại sao du lịch Vĩnh Long lại giống Tiền Giang, Tiền Giang thì giống Cần Thơ”, ông Việt Anh nói.
Do đó, ngành du lịch trong nước cần tìm hiểu kỹ các xu hướng trong tương lai để đưa ra sản phẩm du lịch riêng, phù hợp trong năm 2024, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM.
Là người đã đi đặt chân tới 31 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, travel blogger Đặng Thuỳ Dương nhận định, Việt Nam có nhiều điểm đến đẹp nhưng chính những người đang phục vụ du khách chưa hiểu rõ được tầm quan trọng của “ngành công nghiệp không khói”.
Theo chị Dương, con người chính là yếu tố quyết định việc du khách quyết định quay lại nơi đó hay không. Nhiều điểm đến nước ngoài, chị đã tới 5-6 lần mà vẫn muốn quay lại. Bởi, người dân phục vụ tại đó quá chuyên nghiệp và thân thiện. Dịch vụ, ý thức tốt sẽ là điểm cộng trong mắt khách nước ngoài.
Tại Việt Nam, Quảng Bình đang là một trong những địa điểm xây dựng tốt du lịch bền vững.
“Tôi đi trong rừng và không thấy bất kỳ vỏ lon nước hay rác. Rác đã được nhân viên thu gom rất kỹ, điều đó mang đến cho du khách cảm thấy rõ, đây là nơi đáng du lịch. Khi người dân bản địa trân trọng điểm đến của họ, chính là một yếu tố khiến du khách muốn quay lại lần sau”, travel blogger chia sẻ với VietNamNet.
Quảng Định