Ngày 1/10, bác sĩ Vũ Trí Thanh, Phó giám đốc điều hành Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM) xác nhận việc 4 bác sĩ của đơn vị lén đi làm thêm tại phòng khám tư tại Tiền Giang.

Theo đó, các bác sĩ H.A, bác sĩ X.T, bác sĩ X.Tr, bác sĩ L.M của Bệnh viện TP Thủ Đức làm thêm ở một phòng khám tư nhân tại tỉnh Tiền Giang. Có bác sĩ làm 3 ngày/tuần, có người 1-2 ngày/tuần. Tất cả đều không báo cáo hay xin phép cơ quan quản lý trực tiếp.

Trao đổi với VietNamNet, bác sĩ Vũ Trí Thanh cho hay, 4 bác sĩ trên đã làm bản tường trình. “Trong tuần sau, Phòng Tổ chức cán bộ sẽ chủ trì, làm việc với khoa và các bác sĩ. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ xem xét, đánh giá mức độ vi phạm và có biện pháp xử lý phù hợp”.

Bệnh viện TP Thủ Đức.

Lý giải việc bác sĩ làm bên ngoài đến 3 ngày/tuần, Phó giám đốc Bệnh viện cho hay, có thể bác sĩ đã sử dụng 2 ngày cuối tuần và 1 ngày ra trực để đi làm thêm. Cũng có thể, khi phòng khám ở Tiền Giang “bí quá”, bác sĩ sẽ nhờ đồng nghiệp hỗ trợ công việc ở Bệnh viện để chạy xuống. 

“Việc làm thêm ở phòng khám tư hoàn toàn không được báo cáo. Việc lấy giờ công đi làm bên ngoài là sai rõ ràng. Các bác sĩ đều lấy lý do lương thấp, khó khăn về kinh tế, lo lắng cho gia đình dẫn đến sự việc trên.

Tuy nhiên, sai vẫn là sai”, bác sĩ Vũ Trí Thanh bày tỏ và cho rằng, như các bệnh viện công lập hiện nay, thu nhập của nhân viên y tế rất thấp. Bệnh viện gặp khó khăn về kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trong khi đó, bác sĩ vẫn phải lo lắng cho gia đình, con cái, “cơm áo gạo tiền” bủa vây. 

“Nói thật, họ từ TP.HCM phải đến tận Tiền Giang đi làm cũng cực lắm chứ không sung sướng gì. Giả sử bệnh viện có thêm khu khám chất lượng cao, khu dịch vụ… để tăng thu nhập chính đáng cho anh em là tốt nhất. Nhưng hiện nay chúng tôi rất bí, rất khó, chưa làm được”. 

Chia sẻ với phóng viên, một bác sĩ đang công tác tại đây cho rằng, ai cũng muốn làm việc ở một nơi cho yên ổn. “Khó quá mới phải chạy lung tung như vậy. Chúng tôi không biết sau những việc lùm xùm này, tình hình có cải thiện hay không, thu nhập anh em có ổn hơn hay không?”.

Nhân viên y tế Bệnh viện TP Thủ Đức giai đoạn cùng TP chống dịch Covid-19. 

Lãnh đạo Bệnh viện TP Thủ Đức khẳng định sẽ chấn chỉnh, nhắc nhở bác sĩ toàn bệnh viện để không tái diễn tình trạng trên. Phòng Tổ chức cán bộ, các trưởng phó khoa sẽ chịu trách nhiệm việc tuân thủ giờ giấc của nhân viên.

Ngoài ra, bệnh viện cũng cân nhắc, tính toán việc áp dụng máy chấm vân tay, 2 lần/ngày để kiểm soát giờ giấc. Đồng thời, tiến hành kiểm tra đột xuất nhân sự tại các khoa phòng. 

Tuy nhiên, theo bác sĩ Vũ Trí Thanh, cơ sở vật chất của Bệnh viện TP Thủ Đức hiện rất chật chội. Nhiều khoa không có chỗ cho bác sĩ nghỉ ngơi sau khi khám bệnh hay đi mổ, nên họ phải đến khoa khác nghỉ tạm. 

“Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm vụ việc, tránh ảnh hưởng đến ngành y tế. Tuy nhiên, tôi cũng rất trăn trở, làm sao hay có cách nào để cải thiện thu nhập cho bác sĩ các bệnh viện công hiện nay hay không? Lương rất thấp”, bác sĩ Thanh nói. 

‘Cởi trói’ để bác sĩ đàng hoàng đi làm thêm

‘Cởi trói’ để bác sĩ đàng hoàng đi làm thêm

Tất cả những bác sĩ mà tôi biết, họ thực sự tức giận khi đọc loạt bài “4 bác sĩ trốn/lén/cắp giờ/qua mặt, đi làm xuyên tỉnh ở phòng khám tư”. Tôi cũng không đồng ý với những bài viết này.