Ngày 3/10, tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trí Thanh, Phó giám đốc điều hành Bệnh viện TP Thủ Đức cho biết, bệnh viện đã làm việc với 4 bác sĩ làm thêm ở phòng khám tư mà không báo cáo. Ban giám đốc bệnh viện cũng đề nghị các khoa rà soát, hướng dẫn bác sĩ đăng ký làm thêm ngoài giờ đúng theo quy định hiện hành.

"Một số bác sĩ, đặc biệt là những người trẻ chưa biết các quy định, cho rằng chỉ có chứng chỉ hành nghề có thể làm ngoài giờ không cần xin phép, không cần báo cáo với lãnh đạo khoa và ban giám đốc bệnh viện", bác sĩ Vũ Trí Thanh chia sẻ. 

Phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức cho rằng, việc đăng ký làm ngoài giờ sẽ giúp bác sĩ được bảo vệ, hỗ trợ tốt hơn. Đặc biệt trong tình huống xảy ra tai biến, biến chứng y khoa trong quá trình hành nghề. Theo bác sĩ Thanh, trong y khoa, bất kỳ thủ thuật nào cũng có nguy cơ xảy ra biến chứng và tình huống không mong muốn.

Do đó, phòng Tổ chức cán bộ của bệnh viện sau khi tiếp nhận đơn đăng ký sẽ xem xét, điều chỉnh giờ giấc trên cổng thông tin của Sở Y tế TP.HCM. Từ đó, bác sĩ có thể đăng ký làm ngoài giờ, tranh thủ làm khi ra trực, không được lấy giờ làm việc của cơ quan để ra ngoài làm.

Ngoài ra, ban giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức khẳng định, bệnh viện sẽ tìm giải pháp để cải thiện thu nhập cho nhân viên y tế một cách chính đáng. Ví dụ như mở thêm các khu khám dịch vụ, khám yêu cầu, khám ngoài giờ...

Tuy nhiên, cơ sở vật chất của bệnh viện rất chật hẹp, hạ tầng xuống cấp. Bệnh viện sẽ tìm hiểu, xem xét lại điều kiện các phòng khám vệ tinh xung quanh để mở rộng dịch vụ. 

Trước đó, 4 bác sĩ Khoa Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức làm thêm ở phòng khám tư nhân mà không được sự cho phép của bệnh viện. Các bác sĩ cho biết không biết quy định này phải báo cáo và có sự cho phép của lãnh đạo bệnh viện khi làm thêm bên ngoài. Lý do chính là vì thu nhập thấp, khó khăn về kinh tế, chuyện cơm áo gạo tiền.

Bác sĩ Vũ Trí Thanh cho biết, sẽ xem xét mức độ vi phạm và có hình thức xử lý phù hợp. Tuy nhiên, ông cho rằng, bác sĩ phải chạy từ TP.HCM xuống Tiền Giang làm thêm, tranh thủ giờ ra trực là rất vất vả. Nguyên nhân chủ yếu cũng vì thu nhập của bác sĩ bệnh viện công lập thấp, không đủ lo lắng cho gia đình. 

Theo Sở Y tế TP.HCM, Luật Viên chức đã quy định rõ quyền của viên chức về hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài giờ. Cụ thể, theo điều 14, viên chức được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian quy định trong hợp đồng làm việc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Ngoài ra, họ được ký hợp đồng với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác mà pháp luật không cấm nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

Được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Nóng chuyện thiếu điều dưỡng khắp nơi

Nóng chuyện thiếu điều dưỡng khắp nơi

Thế giới có trợ lý điều dưỡng từ lâu (đào tạo ngắn hạn), còn Việt Nam lại nâng chuẩn điều dưỡng lên đại học gây thiếu hụt nhân lực. Tại các bệnh viện công lập, tỷ lệ điều dưỡng, hộ sinh/bác sĩ là 1,86 trong khi chuẩn phải là 3.
‘Cởi trói’ để bác sĩ đàng hoàng đi làm thêm

‘Cởi trói’ để bác sĩ đàng hoàng đi làm thêm

Tất cả những bác sĩ mà tôi biết, họ thực sự tức giận khi đọc loạt bài “4 bác sĩ trốn/lén/cắp giờ/qua mặt, đi làm xuyên tỉnh ở phòng khám tư”. Tôi cũng không đồng ý với những bài viết này.