Người cứng đầu sẽ có những dấu hiệu như: kiên quyết giữ quan điểm dù ý kiến đó là sai; kiên quyết làm điều mình muốn dù mọi người khuyên can; phủ quyết ý tưởng của người khác bằng cách chỉ ra mọi yếu tố tiêu cực; bất bình ra mặt khi được người khác thuyết phục làm việc bạn không muốn; từ chối lắng nghe ý tưởng và lời giải thích của người khác…
Điểm cộng của sự cứng đầu là đam mê, quyết đoán, toàn tâm toàn ý và giữ vững lập trường. Điều này đôi khi khiến mọi người ngưỡng mộ nhưng đây cũng là lý do để bạn dựa vào đó mà cố gắng không thay đổi.
Ở giai đoạn đầu, sự quyết đoán, kiên trì, tập trung vào các vấn đề và giải pháp có thể khiến công ty nhìn ra khả năng lãnh đạo của bạn. Nhưng hiểu biết của mỗi người còn hạn chế so với thế giới khách quan nên bạn có thể bị che mắt bởi chính kinh nghiệm và cách tư duy của bản thân.
Đôi khi sự ngoan cố khiến mọi người làm theo nhưng điểm mù hiểu biết của bạn khiến kết quả không được như kỳ vọng. Điều này được đánh giá như “một trận thắng trên sự thua toàn diện”.
Sự cứng đầu cũng có thể gây ra nhiều hạn chế trong cuộc sống và công việc. Vì vậy, để ưu tiên lợi ích tổng thể hơn là ham muốn kiểm soát mọi thứ theo mong muốn của bản thân, bạn hãy thử mở lòng và thực hiện các hành động sau:
Lắng nghe và hiểu ý mọi người
Thay vì tự động đóng cuộc trò chuyện, bạn nên kiên nhẫn lắng nghe ý tưởng của mọi người. Lắng nghe không có nghĩa là đồng tình nhưng ít nhất bạn cũng có cơ hội nhìn vấn đề một cách toàn diện hơn khi bổ sung góc nhìn của người khác vào bức tranh toàn cảnh. Sau khi lắng nghe suy nghĩ từ người khác, có thể bạn sẽ đưa ra quyết định sáng suốt hơn sau đó.
Tìm cách học điều mới
Bằng kinh nghiệm của bản thân, bạn tin rằng chỉ có một cách giải quyết phù hợp nhất. Nhưng nếu không thử xem xét ý kiến của người khác, bạn sẽ không có căn cứ để đặt lên bàn cân và đảm bảo rằng đó là phương án hợp lý. Ngay cả khi giải pháp bạn chọn ban đầu là không thể thay thế thì ít nhất bộ não cũng được thực hành việc tư duy đổi mới - nghĩ theo một hướng khác, tưởng tượng các khả năng có thể xảy ra. Điều đó có lợi hơn là chỉ suy nghĩ một chiều.
Thừa nhận sai lầm
Trong một số trường hợp, bạn có thể kiên quyết giữ vững quan điểm nếu có căn cứ hợp lý. Nhưng nếu mọi người xung quanh hoặc hoàn cảnh khách quan cho thấy ý kiến đó là sai, bạn nên chủ động nhận lỗi và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.
Nói lời xin lỗi chưa bao giờ là việc dễ chịu nhưng nếu né tránh, bộ não sẽ phải tìm lý do để viện cớ. Điều đó về lâu về dài có thể khiến bạn tự xây dựng thành trì bảo thủ và không chấp nhận ý kiến của người khác. Trong khi, việc công nhận các vấn đề khách quan sẽ khiến mọi người tin vào khả năng thay đổi, tiến bộ và cách tư duy của bạn hơn.
Quyết định giới hạn có thể chấp nhận
Thay vì chỉ biết bảo vệ ý tưởng của bản thân, người cứng đầu nên có cái nhìn khách quan và xem xét thêm ý kiến từ người khác. “Lùi 1 bước để tiến 3 bước” - nhượng bộ trong ngắn hạn có thể mang lại hiệu quả dài hạn hơn.
Sự kiên định và sự cố chấp chỉ cách nhau ở lằn ranh hiểu biết. Để tránh những điểm mù, 4 điều trên có thể giúp bạn phát huy cá tính của mình như một điểm mạnh thay vì trở thành bức tường ngăn trở sự tiến bộ chung của cả tập thể.
(Nguồn CareerBuilder)