- Cả nước vẫn còn 14 dự án sử dụng vốn ODA chậm tiến độ, thuộc diện phải giám sát thường xuyên, trong đó 4 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM chậm trễ nghiêm trọng.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về vốn ODA và vay ưu đãi sáng 12/8, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, ông Nguyễn Chí Dũng, cho biết dự án đường sắt đô thị sử dụng vốn ODA vẫn chưa chuyển biến tích cực về tiến độ.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, cách đây 4 tháng, Bộ KH-ĐT đã trình một danh sách có 23 dự án chậm tiến độ sử dụng vốn ODA. Đây đều là các dự án thuộc diện bị xếp loại là chậm, không đáp ứng yêu cầu, cần theo dõi để tháo gỡ vướng mắc. Hoặc, là dự án đã thực hiện 3 năm nhưng giải ngân với tỷ lệ không đáng kể, hay những dự án thấy rõ nguy cơ bị chậm tiến độ do nhiều vấn đề khách quan, chủ quản cản trở.
Tuy nhiên đến nay, sau khi đôn thúc, báo cáo của các cơ quan bộ ngành cho thấy, mới chỉ 10 dự án đã chuyển biến, như giải quyết xong khó khăn về mặt bằng, vốn đối ứng,...
Còn lại, có tới 13 dự án vẫn phải giám sát thường xuyên do chậm trễ. Bên cạnh đó, TP. Hà Nội cũng bổ sung thêm một dự án thuộc diện phải giám sát chặt là Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, nâng số dự án bị đưa vào tầm ngắm “báo động đỏ” là 14.
Tình trạng ì ạch về tiến độ ở các dự án đường sắt, đô thị là đáng lo ngại nhất. Bộ này cho biết, ngoại trừ dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội và dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên, tiến độ thực hiện đã có cải thiện, 4/6 dự án đường sắt đô thị đang triển khai tại Hà Nội và TP.HCM đều chậm trễ nghiêm trọng.
Đây đều là những dự án đầu tư có quy mô, vốn đầu tư lớn nên việc kéo dài thời gian thực hiện sẽ đẩy chi phí lên rất cao, giảm hiệu quả đầu tư và gây lãng phí nguồn lực.
Việc đưa ra giải pháp cụ thể để giải quyết vướng mắc cho các dự án đường sắt đô thị hiện là yêu cầu bức thiết.
Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ: "Nhiều nơi khó bố trí vốn đối ứng, dẫn đến chậm trễ, không thực hiện đúng cam kết. Các Bộ, ngành, địa phương phải xem xét thận trọng vấn đề này. Nếu vượt lên thì phải tự lo, không thể đẩy ngược lại cho trung ương".
Gần đây, ngày 16/7/2015, bốn ngân hàng và tổ chức gồm ADB, AFD, KFW và JICA đã có công thư gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề xuất việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp cao đối với các dự án đường sắt đô thị để giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các dự án đường sắt đô thị đã triển khai và lập kế hoạch xây dựng các dự án đường sắt đô thị trong thời gian tới cho hiệu quả.
Trong khi đó, tình hình giải ngân vốn ODA đang rất chậm. Mục tiêu cả năm nay cần giải ngân 5,6 tỷ USD nhưng 6 tháng đầu năm, con số giải ngân mới là 1,9 tỷ USD cho thấy việc đạt được mục tiêu là rất khó.
Phạm Huyền