Nói đến chuyện nhảy việc của mình, Nguyễn Ngọc Thùy (27 tuổi, vừa nhận việc tại phòng quản lý thương hiệu một công ty điện máy tại TPHCM) hài hước: "Nhảy sải cả chân".

Đi làm hơn 4 năm, Thùy nhảy việc ít nhất đã... 11 lần, nhiều lần vào làm vài ngày rồi nghỉ cô không tính. Trung bình, mỗi năm cô làm 3 - 4 chỗ, nơi gắn bó nhất là 7 tháng, có nơi vừa kịp nhận tháng lương đầu. Cô thay đổi công việc nhiều đến độ, bố mẹ và bạn bè chán không còn quan tâm, không buồn hỏi thăm cô làm ở đâu.  

Nữ nhân viên không liệt kê hết lý do nghỉ việc nhưng quanh đi quẩn lại vẫn là nơi thì do lương, nơi thì môi trường làm việc không như "quảng cáo", có nơi việc không phù hợp, không đúng đam mê, nơi lại không hợp với đồng nghiệp, với sếp, nơi không có tiền năng phát triển, nơi tạm ổn thì lại quá xa...

Cũng có lúc Thùy thấy bản thân vô dụng, thiếu kiên nhẫn, cả thèm chóng chán nhưng rồi cô động viên, ai ở trong cuộc mới hiểu. Với cô, nơi làm việc là một phần cuộc sống, nếu không thể cống hiến, gắn bó, cô gái cũng không muốn... ngồi cho qua ngày chờ lĩnh lương.

4 năm nhảy việc 11 lần, chưa từng nếm mùi... thưởng Tết - 1

Nhiều nhân sự nhảy việc quanh năm, không biết đến khái niệm thưởng Tết (Ảnh minh họa).

Ra trường nhiều năm, nhảy việc qua bao nhiêu nơi, Thùy vẫn chưa tìm được nơi có đủ mọi yếu tố để gắn bó. Vừa làm vừa dò dẫm đi tìm "bến đậu", cô rải hồ sơ tìm việc khắp nơi nên càng sẵn cơ hội lại càng dễ nhảy. 

Với nhiều người, nhảy việc kèm những cơ hội tăng thu nhập, còn Thùy nhảy nhiều nhưng thu nhập bèo bọt. Tiền lương nơi mới cao hơn nơi cũ nhưng cô cũng chỉ mới vào vài tháng đã nghỉ nên chủ yếu vẫn nhận lương khởi điểm, hiếm khi kịp hưởng các chế độ lương thưởng, phúc lợi khác của công ty. 

Thùy chia sẻ, cuối năm khi nghe người này người kia bàn chuyện thưởng Tết, cô lại một lần nẫu ruột gan. Bạn bè Thùy đi làm, sắm được cái này cái kia từ tiền thưởng Tết, còn cô... chưa một lần "nếm" mùi khoản lương tháng thứ 13. Có nơi chuẩn bị Tết cô lại nhảy việc, nơi thì mới vào chỉ nhận tượng trưng.

Lâu nay, Thùy làm chỉ đủ trang trải cuộc sống, nuôi thân, không hề có tích lũy. Đến việc mua chiếc xe máy cũng phải nhờ bố mẹ hỗ trợ. 

Chưa kể, nhảy việc nhiều nên cô cũng ít bạn trong nghề, ít đồng nghiệp thân thiết. Tuy nhiên, cô gái cho rằng, việc này cũng có những mặt tích cực là cô học hỏi được nhiều, mỗi lần "nhảy" là khả năng chuyên môn, kỹ năng cao hơn, nhận ra bản thân muốn gì, hiểu mình hơn một chút. 

"Nhảy việc nhiều mệt mỏi lắm nên tôi cũng mong khi biết mình muốn gì, tôi sẽ kiên nhẫn hơn, sẽ tìm được nơi để gắn bó lâu dài. Đi làm công ăn lương, ít nhất trước 30 tuổi cũng phải một lần biết tiền thưởng Tết, chứ thế này mãi, rầu quá!", Thùy trải lòng. 

Mỗi người một mức độ, nhảy việc là vấn đề khá phổ biến hiện nay, nhất là đối với đội ngũ nhân sự trẻ. Nhiều người quanh năm nhảy việc, nơi nào cũng chỉ làm một vài tháng đã tạm biệt, đến nơi mới. 

Anh Nguyễn Đức Duy, trường phòng nhân sự một tập đoàn điện tử có trụ sở ở quận 5, TPHCM chia sẻ, có những người nhảy việc vì họ hiểu mình muốn gì, cần gì, hoặc họ muốn khám phá, thử thách bản thân.

4 năm nhảy việc 11 lần, chưa từng nếm mùi... thưởng Tết - 2

Nhân sự nhảy việc là vấn nạn làm các doanh nghiệp đau đầu (Ảnh minh họa).

Ngược lại, theo anh Duy, số đông hiện nay, nhiều bạn nhảy việc do chưa xác định được mục tiêu cụ thể, mơ hồ về bản thân, về công việc, khát khao một nơi "toàn vẹn"  nhưng lại thiếu kiên trì, nỗ lực. Thay vì tìm lý do để gắn bó thì nhiều người có xu hướng tìm lý do để nghỉ. 

Anh Duy cho rằng, nhân sự nhảy việc là vấn nạn các doanh nghiệp "ngán" nhất hiện nay. Nhân sự mới vào đã ra đi, chưa kịp nhận mức lương thưởng, chế độ phúc lợi tốt nhưng công ty không hề được lợi từ việc này. Nhân sự nhảy việc gây tốn kém, tổn thất rất lớn về tiền bạc, công sức cho doanh nghiệp. 

Nói về tình trạng nhảy việc của nhân sự, chị Nguyễn Minh Ngọc, chuyên viên tâm lý tại TPHCM bày tỏ, không ít bạn trẻ thiếu khả năng thích nghi với môi trường tập thể, họ nhìn đâu cũng thấy vấn đề. Chỉ một chút thử thách hay không vừa ý là họ có thể buông ngay. 

"Đi làm công ăn lương" nhưng nhiều người mong mỏi một tâm thế làm chủ, muốn mọi thứ phải như ý mình như lương cao, công việc thoải mái, lộ trình phát triển tốt, đồng nghiệp vui vẻ, sếp tâm lý, chỗ làm gần... Mong muốn này không sai nhưng có khi thiếu thực tế. 

Bên cạnh đó, chị Ngọc nhấn mạnh, nhân sự trẻ có những đặc điểm khác biệt thế hệ trước các bạn coi trọng việc trải nghiệm hơn là sự gắn bó, chấp nhận chịu đựng vì công việc. 

(Theo Dân Trí)

Bốn khoản tiền người lao động sẽ được nhận vào Tết Nhâm Dần 2022

Bốn khoản tiền người lao động sẽ được nhận vào Tết Nhâm Dần 2022

Mặc dù đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19, nhưng người lao động vẫn có cơ hội được nhận một số khoản tiền thưởng và hỗ trợ để đón Tết Nhâm Dần 2022.