Ngân hàng Techcombank (TCB) của tỷ phú Hồ Hùng Anh công bố tài liệu phục vụ cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, một số nội dung giống như nhiều năm trước đó: giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ nhằm bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh.

Tính tới cuối 2021, tổng lợi nhuận tích lũy có thể phân phối của Techcombank lên tới hơn 40,1 nghìn tỷ đồng do không chia cổ tức bằng tiền trong 11 năm liên tiếp.

Trong thập kỷ vừa qua, Techcombank chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu. Gần đây nhất, năm 2018, Techcombank chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ phát hành 200%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận thêm 2 cổ phiếu thưởng.

Đợt chia tách cổ phiếu gần nhất giúp vốn điều lệ của Techcombank tăng lên gấp 3 lần. Giá cổ phiếu cũng giảm tương ứng 3 lần, cùng với kết quả kinh doanh ấn tượng, tạo điều kiện cho thị giá cổ phiếu tăng lên nhanh chóng, qua đó kéo vốn hóa tăng lên, đạt gần 180 nghìn tỷ đồng.

Các năm trước đó, nhiều cổ đông Techcombank không vui vì ngân hàng không chia cổ tức. Tuy nhiên, cũng có nhiều người đồng thuận với chiến lược của lãnh đạo nhà băng, bởi nhờ đó quy mô ngân hàng và giá cổ phiếu TCB tăng mạnh.

Hiện Techcombank là ngân hàng có quy mô vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu hàng đầu trên thị trường. Vốn điều lệ đạt hơn 35,8 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt khoảng 92 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 3,4 lần so với 2017.

{keywords}
Tỷ phú Hồ Hùng Anh, chủ tịch Techcombank.

Không chỉ Techcombank, nhiều năm liên, các ngân hàng báo lợi nhuận hàng trăm tỷ và gần đây là hàng nghìn tỷ, thậm chí tỷ USD nhưng vẫn lặp lại điệp khúc "năm nay không chia cổ tức", khiến các cổ đông không thể hưởng niềm vui trọn vẹn khi khoản đầu tư của mình.

Không chỉ các ngân hàng chuộng phương án không chia cổ tức bằng tiền mặt hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu, mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng yêu cầu các nhà băng trong năm 2022 giảm chỉ tiêu lợi nhuận, tiếp tục không chia cổ tức bằng tiền để hạ thêm lãi suất cho vay. Đây là năm thứ hai liên tiếp NHNN có chỉ đạo này.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) dự iến sẽ cổ đông kế hoạch phát hành hơn 675 triệu cổ phiếu để trả cổ tức trong năm nay, tương đương tỷ lệ chia là 25% và nâng vốn điều lệ từ 27.019 tỷ đồng lên trên 33.700 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) dự kiến duy trì mức cổ tức bằng cổ phiếu từ 20-25% cho cổ đông. Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng tính chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30%. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) sẽ trình cổ đông phương án chia cổ phiếu bằng cổ tức với tỷ lệ tối thiểu 15%.

Nhìn chung, trong kế hoạch cho năm mới, hầu hết các ngân hàng đều đặt mục tiêu lợi nhuận 2022 tăng, vốn tăng theo tỷ lệ phát hành thêm cổ phiếu chi trả cổ tức, trong khi tiền mặt được giữ lại để đảm bảo sự an toàn về lâu dài và là nguồn lực để ngân hàng mở rộng đầu tư, tăng tín dụng.

Techcobank không chia cổ tức bằng tiền mặt 10 năm nhưng ngân hàng này liên tục phát hành hàng triệu cổ phiếu ESOP giá rẻ cho cán bộ, nhân viên. Trong tờ trình ĐHCĐ năm 2022, ban lãnh đạo ngân hàng đề xuất kế hoạch phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cp, chỉ bằng 1/5 thị giá cổ phiếu TCB hiện tại. Trước đó, TCB có 4 năm liền phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động. Hồi tháng 9/2021, Techcombank đã phát hành hơn 6 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên với giá 10.000 đồng. Trong 3 năm trước đó, TCB đã phát hành hơn 25 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP.

Áp lực chốt lời gia tăng

Theo MBS, thị trường chứng khoán tạo một GAP tăng sau phiên tăng mạnh cuối tuần trước cho thấy quán tính tăng hiện tại được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ vượt đỉnh cũ 1.536 điểm. Đáng chú ý là dòng tiền có sự xoay vòng nhanh chóng đến các nhóm cổ phiếu đang trong quá trình điều chỉnh hoặc chưa tăng nhiều như: chứng khoán, cảng biển, bất động sản khu công nghiệp,...

Các nhóm cổ phiếu này có tỷ trọng không cao trong VN-Index nhưng đã tạo được hiệu ứng rất tích cực giúp thị trường bứt phá thành công khỏi vùng tích lũy kéo dài 2 tháng và chỉ còn cách đỉnh củ 0,76%. Do đó, nhiều khả năng các cổ phiếu trụ sẽ được sử dụng để giúp thị trường vượt đỉnh cũ thành công. Trong kịch bản thị trường vượt đỉnh thành công, nhóm cổ phiếu bluechips sẽ có nhiều lợi thế khi đã có thời gian tích lũy khá dài.

Ở chiều ngược lại, YSVN cho rằng, thị trường có thể sẽ điều chỉnh và VN-Index có thể sẽ kiểm định vùng hỗ trợ 1.517-1.523 điểm trong phiên giao dịch 5/4. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho nên thị trường có thể sẽ nhanh chóng kết thúc nhịp điều chỉnh hoặc thị trường chỉ xuất hiện nhịp điều chỉnh nhẹ. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tăng nhẹ và dòng tiền vẫn đang phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn nên chú ý vào xu hướng ở từng nhóm cổ phiếu, trong đó đáng chú ý với nhóm dịch vụ tài chính, hóa chất, bán lẻ và phần mềm và dịch vụ máy tính.

Chốt phiên giao dịch 4/4, chỉ số VN-Index tăng 8,26 điểm lên 1.524,7 điểm. HNX-Index tăng 4,59 điểm lên 458,69 điểm. Upcom-Index tăng 0,48 điểm lên 117,67 điểm. Thanh khoản đạt 31,0 nghìn tỷ đồng, trong đó có 28,8 nghìn tỷ đồng trên HOSE.

V. Hà

Vượt ông lớn quốc doanh, tỷ phú Hồ Hùng Anh ghi kỷ lục mới

Vượt ông lớn quốc doanh, tỷ phú Hồ Hùng Anh ghi kỷ lục mới

Doanh nghiệp của tỷ phú Hồ Hùng Anh ghi nhận lợi nhuận tỷ USD và lập thêm một kỷ lục mới.