Theo thông tin mới nhất từ Bộ NN-PTNT, năm 2019 Việt Nam nhập khẩu khoảng 67.131 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn, tăng 63% so với năm 2018). Trong đó, chủ yếu nhập khẩu từ các nước như Đức, Ba Lan, Brazil, Canada, Hoa Kỳ.

Riêng những tháng đầu năm 2020, lượng thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam tăng mạnh. Cụ thể, chỉ tính từ đầu năm đến ngày 13/4, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 46.402 tấn, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, lượng thịt lợn và sản phẩm thịt lợn được nhập khẩu từ Canada chiếm 24,59%, Đức chiếm 19,32%, Ba Lan 14,14%, Brazil 9,50%, Hoa Kỳ 8,39%, Tây Ban Nha 6,72%, LB Nga 4,04%...

{keywords}
Thịt lợn nhập khẩu đang được rao bán trên thị trường với giá khá rẻ

Ngoài thịt lợn, đầu năm nay nước ta còn nhập khẩu hơn 1.800 con lợn giống. Chủ yếu là lợn giống cụ kỵ và ông bà từ các nước Hoa kỳ, Canada, Đài Loan.

Trước đó, Bộ NN-PTNT cũng cho biết, do nguồn cung trong nước thiếu hụt nên việc nhập khẩu thịt lợn từ các nước khác được đẩy mạnh. Đây là một trong những biện pháp giúp giá thịt lợn tại thị trường trong nước hạ nhiệt sau một thời gian dài neo giá ở mức quá cao.

Thực tế, theo ghi nhận của PV.VietNamNet, thời gian gần đây, thịt lợn nhập khẩu đang được rao bán tràn ngập tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm cũng như trên mạng xã hội.

Đáng chú ý, các sản phẩm thịt lợn nhập khẩu như chân giò, thịt ba chỉ, thịt vai, móng lợn, tim, sườn cánh buồm,... được bán với giá dao động từ 65.000-140.000 đồng/kg tuỳ loại.

Với mức giá này, một số loại thịt lợn nhập khẩu có giá chỉ bằng một nửa hàng ngoài chợ, thậm chí bằng 1/3 so giá thịt lợn nội bán tại các siêu thị.

Mới đây, kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, ngoài vấn đề kiểm soát về giá mặt hàng thịt lợn trong nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu, đi liền với tăng nguồn cung ứng thịt lợn trong nước thì tăng nhập khẩu để bảo đảm cân đối cung cầu thịt lợn cả trước mắt và lâu dài.

Hải Băng