Trước đây, rối loạn mỡ máu hay gặp ở bệnh nhân trên 60 tuổi. Hiện nay, ngay từ tuổi trên 20, nhiều người đã mắc bệnh. Tình trạng này gây ra biến chứng mạch máu gây xơ vữa động mạch dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm. Ngoài ra, rối loạn mỡ máu còn liên quan đến các rối loạn chuyển hóa khác.

Tăng cholesterol trong máu là nguyên nhân chủ yếu của quá trình xơ vữa và dần làm hẹp các động mạch cung cấp máu cho tim. Đặc biệt, khi cả cholesterol và triglyceride cùng gia tăng, nguy cơ này cao hơn gấp nhiều lần và thúc đẩy nhanh hơn quá trình xơ vữa động mạch, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng gây thiếu máu cơ tim, nguy hiểm hơn là nhồi máu cơ tim. Khoảng 90% trường hợp nhồi máu cơ tim là do biến chứng của mảng xơ vữa.

Thuốc có thể giúp cải thiện cholesterol (mỡ máu) nhưng nếu thay đổi lối sống, chất lượng cholesterol sẽ tốt hơn, đặc biệt là tăng cholesterol tốt (HDL- High density lipoprotein cholesterol) và giảm LDL hay cholesterol xấu (Low density lipoprotein cholesterol) và cải thiện sức khỏe tim mạch.

Lựa chọn thực phẩm là một trong những bí quyết giảm mỡ máu tốt.

Dưới đây là 5 cách đánh bay mỡ máu thay vì bạn phải dùng thuốc:

Thứ nhất, chọn thực phẩm tốt cho tim mạch

Trong chế độ ăn hàng ngày, bạn nên hạn chế các loại chất béo không bão hòa. Loại này được tìm thấy ở thịt đỏ, sữa nguyên kem. Ăn nhiều chất béo bão hòa khiến cholesterol tăng. 

Không ăn thực phẩm, sử dụng dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần. Các loại thực phẩm giàu chất béo chuyển hóa hay có tên khác dầu thực vật được hydro hóa một phần.

Thay vào đó, bạn nên chọn thực phẩm giàu axit béo omega-3 có trong các loại cá hồi, cá thu, cá trích, quả óc chó, hạt lanh… Omega-3 không ảnh hưởng đến cholesterol LDL và có lợi ích tốt cho sức khỏe tim mạch, bao gồm giảm huyết áp. 

Các chất xơ hòa tan có thể làm giảm sự hấp thụ cholesterol vào máu. Nó được tìm thấy trong các loại thực phẩm như bột yến mạch, đậu tây, rau xanh dạng mầm, táo và lê.

Thứ hai, tập thể dục hầu hết ngày trong tuần

Việc tập thể dục có thể cải thiện chỉ số cholesterol cho cơ thể. Bạn cần duy trì thói quen tập luyện ít nhất 30 phút và 5 lần một tuần hoặc hoạt động aerobic mạnh mẽ trong 20 phút với tần suất 3 lần/tuần.

Trong quá trình làm việc, sinh hoạt, bạn nên có thường xuyên đứng dậy đi bộ nhanh hàng ngày sau giờ ăn trưa, duy trì hoạt động thể lực, tránh tâm lý ngồi ù ì một chỗ. Tốt nhất, bạn có thể lựa chọn đi bộ, xe đạp hàng ngày thay vì một bước lên xe máy như hiện nay.

Thứ ba, bỏ thuốc lá hoặc tránh xa thuốc lá

Thuốc lá ảnh hưởng tới hệ tim mạch và mỡ máu. Việc tránh xa khói thuốc kể cả chủ động và thụ động giúp cải thiện mức cholesterol HDL tốt và giảm LDL.

Một nghiên cứu cho thấy chỉ trong vòng 20 phút sau khi bỏ thuốc, huyết áp và nhịp tim của bạn sẽ phục hồi. Ba tháng sau khi bỏ thuốc, tuần hoàn máu và chức năng phổi của bạn bắt đầu cải thiện. Một năm bỏ thuốc, nguy cơ mắc bệnh tim giảm một nửa so với người hút thuốc.

Thứ tư, giảm cân

Thừa cân làm gia tăng chỉ số cholesterol rất nhiều. Vì vậy, để giảm mỡ máu bạn cần có kế hoạch giảm cân, giảm mỡ. Để giảm cân, giảm mỡ an toàn bạn nên đến bác sĩ tư vấn. Thay vì sử dụng đồ uống có đường bạn có thể chuyển sang uống nước lọc, các loại trà. Việc ăn uống khoa học kết hợp tập luyện bạn sẽ giảm mỡ toàn cơ thể trong đó có mỡ máu.

Thứ năm, hạn chế bia rượu

Nhiều nghiên cứu cho rằng rượu vang tốt cho hệ tim mạch. Đối với người khỏe mạnh, tối đa 1 ly mỗi ngày đối với phụ nữ và 2 ly mỗi ngày đối với nam giới từ 65 tuổi trở xuống. Uống quá nhiều rượu có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, như cao huyết áp, suy tim và đột quỵ.

Cắt giảm bia, rượu sẽ giúp gan hoạt động tốt hơn trong việc loại bỏ cholesterol xấu. Nó cũng có thể cải thiện sức khỏe tim mạch.

PGS.TS Nguyễn Hoài Nam (Phó Chủ nhiệm bộ môn Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch, Đại học Y Dược TP.HCM)

Những người cần đi xét nghiệm mỡ máu ngayGần một nửa số người thành thị từ 25 tới 74 tuổi có chỉ số cholesterol máu cao. Ngoài những người đang điều trị rối loạn chuyển hóa mỡ, ai nên đi xét nghiệm mỡ máu ngay?