Khi thời tiết miền Bắc trở lạnh, ông T.V.C (70 tuổi, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) thường xuyên phải nằm viện vì mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Gần đây, khi nhiệt độ hạ thấp, ông đột nhiên cảm thấy khó thở và phải cấp cứu tại Bệnh viện Phổi Trung ương.
Tương tự, ông N.V.R (quê Đông Hưng, Thái Bình) được người nhà đưa lên Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu vì đợt COPD cấp. Trước đó, ông từng điều trị bệnh viện ở địa phương nhưng không tìm ra bệnh.
Phổi tắc nghẽn mạn tính là căn bệnh mạn tính thường gặp được đặc trưng bởi khả năng hô hấp bị hạn chế không thể hồi phục hoàn toàn và có thể để lại biến chứng.
Theo TS.BS. Đoàn Thị Phương Lan, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai, COPD là bệnh nguy hiểm. Thế giới có tới trên 300 triệu người mắc bệnh này, trong đó 81% bệnh nhân không được chẩn đoán hoặc điều trị không đúng cách. Điều đó dẫn tới hậu quả nguy hiểm, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, nguy cơ tử vong cho bệnh nhân, gánh nặng chi phí y tế cho xã hội.
Dự đoán, năm 2023, COPD là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba. Thủ phạm gây bệnh chủ yếu là do hút thuốc lá, ô nhiễm môi trường, nhiễm tử khí độc hại.
TS Phương cho biết đây là bệnh viêm mạn tính đường hô hấp làm giới hạn luồng khí thở ra. Bệnh nhân có triệu chứng ho, khạc đờm kéo dài, khó thở… Các triệu chứng này ngày càng xấu đi và bệnh nhân thường gặp các đợt cấp làm sức khỏe giảm sút, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh đa số gặp ở người tuổi trung niên trở lên. Khi đó, họ còn mắc thêm các bệnh khác như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, mất ngủ khiến tình trạng tăng nặng.
Biến chứng
Một nghiên cứu của Canada trên 73.000 bệnh nhân COPD trong 4 năm cho thấy có 50% bệnh nhân tử vong sau lần nhập viện vì đợt cấp đầu tiên. Vì vậy, kiểm soát các bệnh đồng mắc, ngăn ngừa các đợt cấp tính COPD được coi là mục tiêu điều trị. Bệnh nhân có thể mắc đợt cấp do vi khuẩn, virus, điều trị không đúng cách, dùng thuốc không đúng giờ hoặc bỏ thuốc.
Người mắc COPD còn phải đối mặt với các biến chứng làm suy giảm sức khỏe, chất lượng cuộc sống, giảm tuổi thọ như bệnh lý tâm phế mạn (suy tim, loạn nhịp tim - đặc biệt là rung nhĩ). Việc điều trị COPD không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát bệnh, từ đó làm chậm sự phát triển bệnh, ngăn ngừa biến chứng.
TS Lan khuyến cáo với bệnh nhân đã được chẩn đoán bệnh cần khám định kỳ, sử dụng thuốc điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để ngăn ngừa biến chứng và diễn tiến các đợt COPD cấp. Khi bệnh tái phát hoặc diễn biến nặng, người bệnh cần lập tức đến cơ y tế khám và điều trị.
Để phòng bệnh, bác sĩ này cho rằng chúng ta cần cố gắng thực hiện các biện pháp sau:
- Tránh xa thuốc lá: Người hút thuốc lá phải bỏ thuốc, người không hút thuốc cần bỏ xa nơi có thuốc lá.
- Đeo khẩu trang khi ra đường.
- Trồng nhiều cây để không khí tốt.
- Tránh các khí từ bếp củi, bếp than.
- Giữ gìn môi trường sống và nơi làm việc sạch sẽ.