Với sự phát triển của công nghệ, bạn có thể sẽ nhầm lẫn các tác phẩm nghệ thuật do AI sáng tạo với tác phẩm do bàn tay con người tạo ra, từ tranh ảnh, âm nhạc, viết lách, video. AI đang được tận dụng trong 5 lĩnh vực khác nhau và ngày càng dễ tiếp cận hơn.
1. Vẽ tranh
Vẽ tranh bằng các hệ thống AI mang lại kết quả gần như không thể tin nổi. Với Midjourney và DALL-E 2, bạn chỉ cần nhập vài từ mô tả ý tưởng của mình. Dựa vào dữ liệu này, chúng sẽ tạo ra một hình ảnh cho bạn.
Nếu bổ sung các cụm từ như “phong cách Van Gogh”, các hệ thống AI sẽ xuất xưởng các tác phẩm mô phỏng phong cách của họ. Kết quả thuyết phục đến nỗi chúng từng thắng giải trong cuộc thi mỹ thuật, gây bối rối cho nhiều người.
Tốc độ phát triển của các hệ thống sản xuất nghệ thuật AI vô cùng nhanh chóng. Open AI, công ty đứng sau DALL-E 2, mới thành lập năm 2015 và phiên bản đầu tiên của hệ thống ra đời năm 2021. Vào tháng 6, tạp chí Economist sử dụng ảnh bìa do AI tạo ra. Khi ấy, nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra xoay quanh quyết định của tạp chí.
Dù việc kiếm tiền từ các hình ảnh do AI tạo ra là vấn đề gây tranh cãi, bạn hoàn toàn có thể dùng các hệ thống nói trên nếu đang tìm kiếm những ý tưởng không phương hại đến ai.
2. Âm nhạc
Năm 2017, một mạng thần kinh mang tên Tacotron 2 cho thấy, các chương trình máy tính chuyển đổi từ văn bản sang giọng nói ưu việt như thế nào. Nhờ vậy mà deepfake bắt đầu rộ lên, đánh lừa nhiều người nhờ tính chân thực của nó.
Chẳng hạn, một clip rapper Jay-Z rap câu thoại nổi tiếng “To be or not to be” lan truyền trên mạng, song lại là sản phẩm của AI. Jay-Z đã thua trong trận chiến yêu cầu gỡ bỏ video khỏi YouTube.
Các nghệ sỹ hoàn toàn có quyền bảo vệ tác phẩm âm nhạc của mình. Với một số nghệ sỹ khác như Holly Herndon, AI lại được xem là công cụ mới để làm nhạc. Herndon cho phép AI “nhái” giọng của mình và tải lên Internet cho ai cũng có thể sử dụng. Đây là công nghệ phức tạp hơn công nghệ chuyển đổi giọng nói từ văn bản trước kia và kết quả cũng rất ấn tượng.
Mọi sắc thái nhỏ nhất trong giọng hát của Holly Herndon đều có thể tái tạo bằng AI. Nó hát được bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, miễn là bài hát ở trong quãng giọng của cô.
Ngoài nhái giọng và deepfake, AI có nhiều ứng dụng thực tiễn khác và cũng được dùng để tạo ra các tác phẩm âm nhạc thú vị.
3. Viết lách
Nếu muốn biết AI đang được ứng dụng thế nào trong lĩnh vực viết lách, bạn có thể tự nhìn vào chính mình. Dễ thấy nhất là tính năng đoán trước từ sẽ nhập tiếp theo trên điện thoại và các thiết bị tích hợp bàn phím thông minh. Một ứng dụng khác là kiểm tra lỗi chính tả, phong cách, giúp cải thiện chất lượng bài viết.
GPT-3 là AI tạo văn bản của OpenAI, nổi tiếng với khả năng viết những đoạn văn không thể phân biệt được với người viết. Không dừng lại ở kiểm tra chính tả, ngữ pháp, bạn còn có thể dùng nó để viết blog, hồ sơ doanh nghiệp, bài đăng Twitter hay tựa sách. AI cũng hỗ trợ tác giả viết cả một bài luận hoàn chỉnh.
4. Phim ảnh
Một ứng dụng thú vị của AI thời gian gần đây là phục chế các đoạn phim cũ, một số có tuổi đời hơn 100 năm. Các công cụ như DAIN có thể tăng chất lượng video lên 4K/60 khung hình/giây. Ngoài ra, chúng còn tô màu vào các bộ phim đen trắng gốc.
Kết quả của chúng vô cùng ấn tượng. Theo thời gian, các thuật toán AI này sẽ tốt lên đáng kể và xử lý nhanh hơn.
Bên cạnh đó, có nhiều công cụ làm phim AI giúp doanh nghiệp nhỏ sáng tạo các nội dung video mà không cần kỹ thuật biên tập video cao cấp. Mọi thứ cần làm chỉ là nhập một đoạn văn bản và AI sẽ hỗ trợ tạo video. Dù chưa thể chất lượng và chỉn chu như con người, AI hoàn toàn làm được các bài thuyết trình hay câu chuyện truyền thông đủ dùng.
5. Nhiếp ảnh
Mọi người quen thuộc với AI trong nhiếp ảnh hơn, dù họ không hề có kiến thức về bộ môn này. Các điều chỉnh cân bằng trắng hay màu sắc trong ảnh được tiến hành tự động bằng các công cụ AI trong nháy mắt.
Các tính năng tự động chỉnh sửa phổ biến tới mức smartphone nào cũng tích hợp sẵn vào ứng dụng camera. Chỉ với một nút bấm, AI sẽ thay bạn chỉnh sửa độ sáng, tương phản, làm cho ảnh đẹp hơn.
iPhone và Android đời mới còn có thêm khả năng làm mờ phông nền sau khi chụp ảnh. Trước khi có AI, rất khó để xử lý hậu kỳ trên smartphone. AI cũng giúp phục chế các tấm ảnh bị hỏng hay thêm màu vào ảnh đen trắng. Trước đây, cần phải hiểu biết về photoshop và mất vài giờ để hoàn thành.
Nhìn chung, các công cụ AI đang được phát triển rất nhanh chóng. Thay vì lo sợ bị AI thay thế, bạn nên học cách tận dụng nó để giúp ích tối đa công việc của mình.
Du Lam (Theo MUO)