Chiều 25/10, tại Hà Nội, Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Quỹ VIFOTEC - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) đã tổ chức họp báo công bố Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2021 (Giải thưởng WIPO).
Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh các nhà khoa học đã có những công trình nghiên cứu có giá trị lớn, đã và đang được áp dụng hiệu quả tại Việt Nam. Đây là những công trình góp phần thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước...
Trong 27 năm qua, Giải thưởng WIPO đã được tổ chức thành công, thu hút sự tham gia tích cực của đông đảo các nhà khoa học, các nhà sáng tạo trong cả nước. Nhiều công trình đoạt giải đã và đang áp dụng trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Đến nay, đã có khoảng 3.000 công trình tham gia dự thi và gần 1.000 công trình đoạt giải.
Theo Ban tổ chức, Giải thưởng WIPO năm nay thu hút sự tham gia của 110 công trình với 6 lĩnh vực gồm cơ khí tự động hóa, công nghệ vật liệu, CNTT - Điện tử Viễn thông, sinh học phục vụ sản xuất và đời sống, công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên.
Ông Lê Xuân Thảo - Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ VIFOTEC cho biết, căn cứ vào kết quả chấm điểm của hội đồng giám khảo, Ban tổ chức Giải thưởng đã quyết định trao thưởng cho 45 công trình với 4 giải nhất, 8 giải nhì, 14 giải ba và 19 giải khuyến khích.
Bốn công trình đạt giải nhất năm nay gồm:
"Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị xì tháo thuốc nổ phục vụ xử lý bom mìn, vật nổ cơ động" của Trung tá.TS. Tô Đức Thọ - Cục Khoa học quân sự (Bộ Quốc phòng) và các cộng sự.
"Công nghệ, sản phẩm, giải pháp kỹ thuật, biện pháp thi công kè bảo vệ bờ hồ Hoàn Kiếm" của tác giả TS. Hoàng Đức Thảo - Công ty cổ phần khoa học công nghệ Việt Nam, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
"Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống chè PH8 cho năng suất cao, chất lượng tốt góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất chè cho các địa phương trong cả nước" của tác giả TS. Nguyễn Thị Minh Phương - Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm miền núi phía Bắc, tỉnh Phú Thọ.
"Ứng dụng công nghệ phễu bê tông (Top-Base) trong việc gia cố nền đất yếu tại Việt Nam" của tác giả KS Phạm Thành Công và các cộng sự - Tập đoàn GFS.
Đáng chú ý khi hai công trình "Công nghệ, sản phẩm, giải pháp kỹ thuật, biện pháp thi công kè bảo vệ bờ hồ Hoàn Kiếm" và "Ứng dụng công nghệ phễu bê tông (Top-Base) trong việc gia cố nền đất yếu tại Việt Nam", đã được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) trao bằng chứng nhận và huy chương vàng.
Trọng Đạt