GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam, chiều 20/9 thông tin hiện có khoảng 5,7% dân số Việt Nam mắc đái tháo đường, tương đương hơn 5 triệu người. Điều đáng báo động là đái tháo đường đang lặng lẽ đến với người Việt Nam, có những người mắc bệnh mà không hề biết.
Cụ thể, khoảng 50% người mắc bệnh nhưng không được chẩn đoán, trong khi chưa tới 30% số người được chẩn đoán điều trị tốt. 50% bệnh nhân đái tháo đường lúc phát hiện đã có biến chứng tim mạch.
Đái tháo đường tuýp 1 thường có các dấu hiệu điển hình như đói và mệt; đi tiểu thường xuyên và khát hơn; khô miệng, ngứa da; sút cân nhiều, thị lực giảm. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu là ở đối tượng trẻ, thanh thiếu niên.
Khác với triệu chứng rầm rộ, diễn biến nhanh như tuýp 1, với tuýp 2 bệnh nhân đái tháo đường diễn biến rất âm thầm thậm chí không có triệu chứng. Bệnh nhân thường là người trưởng thành, có dấu hiệu như nhiễm trùng, vết loét hoặc vết thương chậm lành.
Tại lễ ký kết chương trình “Yêu lấy mình-CaReMe” do Bộ Y tế phối hợp tổ chức chiều 20/9, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhận định mô hình bệnh tật của Việt Nam đang có sự dịch chuyển.
Theo PGS Sơn, trong khi các bệnh lý nhiễm trùng và suy dinh dưỡng đang dần được kiểm soát thì thay vào đó là sự gia tăng mạnh của các bệnh lý không lây nhiễm như: Bệnh tim mạch, bệnh thận mạn, đái tháo đường, ung thư...
Ước tính, các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới 77% nguyên nhân gây tử vong hiện nay, trong đó tim mạch là nguyên nhân hàng đầu. Mỗi năm, thế giới có từ 18-20 triệu người tử vong do các bệnh lý tim mạch, chiếm tới 31% tổng số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm.
Đáng nói, các bệnh tim mạch, thận và chuyển hóa không chỉ có tỷ lệ lưu hành cao mà còn có mối quan hệ chặt chẽ qua lại, tạo thành vòng xoắn bệnh tật, đặt gánh nặng lớn lên hệ thống y tế. Theo các chuyên gia, 10% bệnh nhân đái tháo đường cuối cùng chết vì bệnh thận, và những người tổn thương thận giai đoạn cuối nhiều nhất là do đái tháo đường.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trước gánh nặng từ các bệnh có liên hệ mật thiết như tim mạch - thận - chuyển hoá, việc xây dựng mô hình quản lý bệnh và các yếu tố nguy cơ toàn diện là cần thiết, có ý nghĩa bền vững.
"Chương trình 'Yêu lấy mình – CaReMe' giai đoạn 2022-2025 nhằm góp phần củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe bệnh nhân tim mạch - thận - chuyển hóa, giảm gánh nặng do các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam", ông Khuê cho biết.