Vừa qua, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận và cấp cứu nữ bệnh nhân (31 tuổi, ở Hà Nội) bị vỡ eo động mạch chủ, đa chấn thương do rơi từ tầng 5. 

Bệnh nhân vào viện trong tình trạng đa chấn thương, liệt hoàn toàn hai chi dưới, huyết áp tụt (còn 90/60 mmHg), mạch nhanh, da nhợt nhạt. 

Người nhà cho biết, tai nạn xảy ra khi bệnh nhân đang lau phía bên ngoài cửa sổ tầng 5 và bị tuột tay ngã xuống đất. 

Từ kết quả chụp CT ngực và bụng, bác sĩ phát hiện người bệnh bị vỡ eo động mạch chủ ngực, tràn máu, tràn khí màng phổi hai bên kèm gãy, vỡ xương ở rất nhiều vị trí trên cơ thể, tiên lượng nặng.

Hình ảnh dựng 3D tổn thương động mạch chủ của bệnh nhân

Các bác sĩ vừa cấp cứu kiểm soát huyết áp, nhịp tim và giảm đau cho bệnh nhân vừa tổ chức hội chẩn giữa nhiều chuyên gia.

Bệnh nhân được áp dụng phương pháp đặt stent graft (giá đỡ làm bằng kim loại đặc biệt có phủ màng bọc) để khắc phục vị trí tổn thương. Stent graft đưa vào lòng động mạch sẽ có tác dụng như một màng bọc vững chắc bảo vệ đoạn eo động mạch chủ đang bị vỡ. 

Ca can thiệp diễn ra thành công. Hiện tại, tình trạng bệnh diễn biến tốt. Người phụ nữ ý thức tỉnh táo, không còn khó thở, hết đau ngực và được xuất viện theo dõi thêm tại nhà.

TS.BS Ngô Tuấn Anh - Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết, là vị trí chuyển tiếp giữa vùng di động và cố định nên eo động mạch chủ thường có thành mạch yếu hơn so với các vùng khác của động mạch chủ.

Vì vậy khi gặp tác động rất dễ gây ra vỡ eo động mạch chủ. Đây là một dạng chấn thương kín ở động mạch chủ. 

Nguyên nhân gây ra tình trạng này thường do tại nạn giao thông, ngã cao hay bất kỳ nguyên nhân nào gây giảm tốc độ đột ngột, có va chạm và chấn động mạnh. 

80% bệnh nhân vỡ eo động mạch chủ tử vong trước khi đến viện. Số còn lại là có thể tử vong trong vòng 30 giờ sau khi nhập viện hoặc trong quá trình phẫu thuật, chỉ có tỉ lệ rất ít trong số đó may mắn được cứu sống. 

TS.BS Ngô Tuấn Anh thông tin thêm: “Đây là một trong những trường hợp hiếm gặp, rất khó chẩn đoán khi ban đầu nhập viện, bệnh nhân vẫn còn tỉnh táo. Tuy nhiên ngay sau đó tình trạng bệnh nhân diễn biến xấu rất nhanh”. 

Bệnh nhân được đưa vào phòng mổ để thăm dò khẩn cấp nhằm xác định nguồn chảy máu. Nếu chỉ chụp X-quang ngực không thể phát hiện hết các tổn thương do vậy được chỉ định chụp CT ngực và bụng để xác định, đánh giá kỹ lưỡng.

“Ê-kíp cấp cứu và can thiệp đã phải chạy đua với thời gian, tranh thủ từng giây để cứu sống người bệnh”, bác sĩ khẳng định. 

Vì sao bệnh nhân Whitmore có tỷ lệ tử vong cao?

Vì sao bệnh nhân Whitmore có tỷ lệ tử vong cao?

Nhiều bệnh nhân Whitmore được điều trị theo các chẩn đoán khác nhau trước khi phát hiện mắc loại vi khuẩn "ăn thịt người". Ngay cả khi chẩn đoán đúng, nhiều bệnh nhân bỏ cuộc vì điều trị rất lâu, tốn kém.