Tôi thấy rằng các công ty công nghiệp hỗ trợ Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao so với các công ty khác. Họ phải cạnh tranh trực tiếp với các công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước hoặc các tập đoàn tư nhân lớn hơn ở cùng khu vực trong việc tuyển dụng, khiến công tác này tại các công ty công nghiệp hỗ trợ trở nên khó khăn.

Ngày càng ít doanh nghiệp có thể chiêu mộ nhân lực trình độ cao, chẳng hạn như các vị trí quản lý có kinh nghiệm trong sản xuất hoặc thực hành sản xuất tinh gọn. Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng khó tuyển được lao động có bằng cấp kỹ thuật do sự cạnh tranh nói trên.

{keywords}
Ông Stephan Stephan Ulrich, Quản lý chương trình SCORE khu vực châu Á của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)

Mặt bằng trình độ học vấn tại Việt Nam khá tốt so với các quốc gia trong khu vực. Đây là nền tảng tốt để phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp. Dù vậy doanh nghiệp vẫn cần phải đầu tư nhiều thời gian và công sức vào việc đào tạo người lao động trong quá trình làm việc và tạo cơ hội cho họ tham gia vào các hoạt động nâng cao năng lực.

Tổ chức Lao động Quốc tế là một cơ quan của Liên hợp quốc. Chúng tôi đã và đang triển khai dự án Phát triển Doanh nghiệp Bền vững – SCORE tại nhiều quốc gia và nền kinh tế đang phát triển. Dự án đã tiếp cận khoảng 2.500 doanh nghiệp trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, đã có 250 doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động của dự án SCORE.

{keywords}
Công ty dệt may được tham gia chương trình SCORE

Dự án của chúng tôi kết hợp hai hình thức là đào tạo trong lớp học với tư vấn tại nhà máy. Đây là một mô hình mang lại hiệu quả tốt bởi nó tạo điều kiện cho doanh nghiệp, quản lý và người lao động áp dụng ngay các kiến thức đã học trong lớp học tại nhà máy. Đầu tiên chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát đầu vào để tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp, đánh giá mức độ kỹ năng và các vấn đề mà công ty đang gặp phải. Tiếp đó dự án sẽ thiết kế chương trình đào tạo tại lớp học dựa trên kết quả khảo sát đầu vào.

Ngay sau buổi đào tạo đó, chúng tôi sẽ khuyến khích học viên, chính là những quản lý và người lao động, sử dụng những kiến thức mới thu nhận vào trường hợp cụ thể của công ty mình. Chúng tôi sẽ cùng doanh nghiệp tìm hiểu các cơ chế giúp nâng cao chất lượng, giải quyết vấn đề, cải thiện điều kiện làm việc, đặc biệt là an toàn vệ sinh lao động.

Theo những thông tin chúng tôi có được tại những sự kiện với các công ty mua hàng, những công ty mua hàng quốc tế thường rất quan tâm tới các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại các công ty họ mua hàng. Với cách tiếp cận của dự án, người lao động và quản lý doanh nghiệp có thể học ngay trong công việc của mình và ứng dụng những điều mình học được. Chương trình đào tạo của chúng tôi sẽ đào tạo cả kỹ năng chuyên môn như sắp xếp quy trình sản xuất cũng như kỹ năng mềm như giao tiếp và làm việc nhóm.

Các doanh nghiệp tham gia dự án của chúng tôi đã phát triển được nhiều ý tưởng cho các dự án cải tiến để giải quyết các vấn đề lớn mà họ đang gặp phải khi tham gia khóa đào tạo trong lớp học.

Đó có thể là các vấn đề về chất lượng ở một chuyền sản xuất nhất định, vấn đề an toàn vệ sinh lao động tôi vừa nói tới ở trên hoặc vấn đề về hiệu suất từ cách thức quản lý kho nguyên liệu. Trong quá trình đào tạo, chúng tôi lựa chọn một số dự án cải tiến điển hình và đào tạo xoay quanh các dự án này. Các chuyến thăm và tư vấn tại nhà máy sau đó cũng sẽ tập trung vào việc giải quyết các vấn đề được đặt ra ở trên.

Sau một vài tháng thực hiện, rất nhiều công ty đã xây dựng được cho mình các hệ thống quản lý chất lượng. Thêm vào đó, họ còn tích cực tìm giải pháp nhằm giảm lãng phí tại doanh nghiệp của mình. Ở đây tôi không chỉ nói tới việc sử dụng tài nguyên như nguyên vật liệu hay lượng rác thải ra môi trường mà còn muốn nói tới lãng phí về thời gian và năng lực của người lao động.

Trong số 250 doanh nghiệp tham gia dự án, rất nhiều doanh nghiệp đã cải thiện được năng suất, hiệu suất và chất lượng sản xuất. Một số doanh nghiệp đã tăng tới 50% hiệu suất dây chuyền sản xuất. Theo phản hồi từ các doanh nghiệp, họ vẫn tiếp tục sử dụng các kỹ thuật học được từ lớp đào tạo và tư vấn để tiếp tục cải tiến. Về cơ bản, họ đã khởi động một phong trào cải tiến liên tục. Điều này cũng giống như câu chuyện thay vì cho cá, ta cung cấp cho họ cần câu để có thể tự nuôi sống bản thân trong thời gian dài. Đó cũng chính là cách dự án SCORE đang hỗ trợ các doanh nghiệp.

Về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp hỗ trợ, giáo dục nghề nghiệp luôn đòi hỏi có sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực tư nhân và các trường học. Tuy nhiên cần phải có đối thoại thường xuyên và cụ thể giữa hai bên để có thể nắm được chính xác nhu cầu của doanh nghiệp, đảm bảo rằng các trường đang hoạt động hiệu quả và cung cấp các kỹ năng có tính ứng dụng cao cho doanh nghiệp. Để thực hiện việc này, các doanh nghiệp tư nhân phải có mức độ tổ chức cao.

Đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, điều này sẽ hơi khó vì “công nghiệp hỗ trợ” là một cụm từ chưa được định nghĩa rõ ràng. Cụm từ này bao hàm nhiều ngành nghề khác nhau. Chúng ta có cả công ty nhựa, công ty kim loại và công ty máy trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Do đó việc có tiếng nói chung về nhu cầu của ngành trở nên khó khăn hơn.

Do đó, tôi nghĩ tổ chức đối thoại theo khu vực địa lý, cụ thể là cấp tỉnh thành phố sẽ hiệu quả hơn, vì thường các trường giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh sẽ cung cấp nhân lực cho các công ty trên địa bàn. Chúng ta vẫn cần những đại diện doanh nghiệp sẵn lòng bỏ thời gian tham gia đối thoại và chia sẻ với các trường về nhu cầu của mình.

Việc này cần rất nhiều thời gian và kiến thức về quy trình sản xuất, vì vậy chúng ta cần có những người tình nguyện, hoặc thậm chí được trả lương để cung cấp các thông tin này cho ngành giáo dục. Đó không thể chỉ là yêu cầu riêng của một doanh nghiệp cụ thể nào đó mà phải đại diện cho cả ngành.

Tôi nhận thấy rằng vẫn còn nhiều tiềm năng trong việc cải thiện tiếng nói chung của các doanh nghiệp tư nhân. Tuy việc đối thoại thường xuyên đã được thực hiện trong một số ngành và đang phát triển tại một số ngành khác, chúng ta vẫn cần giải quyết vấn đề về những công ty không tham gia và đóng góp vào công tác đối thoại như các công ty khác nhưng vẫn hưởng lợi từ những thay đổi của ngành giáo dục. Trong một số ngành, chúng ta cần tìm ra cơ chế ưu đãi và các cơ chế có hiệu quả để tổ chức đối thoại thường xuyên, góp phần hỗ trợ chia sẻ các nhu cầu của khu vực tư nhân với hệ thống giáo dục.

Stephan Stephan Ulrich