Lời tòa soạn: Cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo trên mạng nhưng thực tế vẫn có nhiều người “sập bẫy”. VietNamNet phản ánh những câu chuyện cụ thể từ chính các nạn nhân, một lần nữa cảnh báo chi tiết các dạng thức lừa đảo để mọi người phòng tránh. |
Bẫy lừa cộng tác viên bán hàng
Năm 2021, trong một lần lướt Facebook, chị Chu Thị T. (trú huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) tình cờ thấy “page” quảng cáo tuyển cộng tác viên (CTV) bán mỹ phẩm qua mạng.
Chị T. đã vào “page” nhắn tin và được đối tượng Lê Huy Nhật (SN 1993, trú tỉnh Thanh Hóa) cùng đồng phạm phản hồi tin nhắn. Nhóm người lừa đảo hướng dẫn chị T. làm CTV bán mỹ phẩm qua mạng Internet.
Công việc của chị T. chỉ cần đăng bài viết và hình ảnh mỹ phẩm do công ty cung cấp, khi khách có nhu cầu mua sản phẩm của công ty thì CTV lấy hàng từ công ty bán cho khách và sẽ được hưởng 100.000 đồng/ngày và 10% hoa hồng trên mỗi sản phẩm.
Tuy nhiên trên thực tế những thông tin nói trên không có thật. Nhóm đối tượng lừa đảo sẽ đóng giả khách mua hàng, nhắn tin, liên hệ với chị T. để đặt hàng. Do tin tưởng người có nhu cầu mua hàng thật nên chị T. liên hệ lại với “page” ảo để đặt mỹ phẩm về cung cấp cho khách mua.
Đồng bọn sau khi chốt đơn xong sẽ nhập thông tin đơn hàng. Nhật cùng đồng phạm đã cấu kết, cung cấp địa chỉ giả của khách hàng cho công ty giao hàng tiết kiệm.
Phía công ty giao hàng tiết kiệm sẽ đảm nhiệm việc giao hàng cho CTV và thu số tiền tương ứng với số lượng hàng mà các CTV đã chốt đơn (ship COD).
Do thông tin địa chỉ mà nhóm người đóng giả khách mua hàng cung cấp cho CTV là giả nên họ không thể giao được hàng, các đối tượng trong vai khách mua lấy nhiều lý do khác nhau để từ chối nhận hàng.
Khi CTV liên hệ lại yêu cầu hoàn hàng, trả tiền, các nhóm trưởng và các đồng phạm lại gửi một địa chỉ giả để CTV gửi mỹ phẩm đến địa chỉ đó, hoặc chặn số điện thoại, tài khoản facebook của CTV. Qua đó, chiếm đoạt số tiền mà các CTV đã thanh toán khi nhận mỹ phẩm về.
Với thủ đoạn trên, chị T. đã bị nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 7 triệu đồng.
Cơ quan điều tra xác định, trong khoảng thời gian từ tháng 6/2019 đến tháng 3/2021, với thủ đoạn tương tự, đối tượng Lê Huy Nhật cùng đồng phạm đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 500 bị hại với số tiền 6 tỷ đồng.
Trong thời gian nói trên, Nhật và đồng bọn đã lôi kéo rất nhiều đối tượng tham gia hoạt động phạm tội của mình, lập thành nhiều nhóm hoạt động ở nhiều địa phương khác nhau.
Ngoài bẫy tuyển CTV bán hàng mỹ phẩm, nhiều đối tượng còn lừa đảo tuyển CTV bán bản vẽ thiết kế qua mạng. Quá trình đấu tranh, công an đã bắt giữ Lê Bá Hải (SN 1990, trú tỉnh Thanh Hóa).
Lê Bá Hải tìm hiểu trên các trang mạng xã hội và biết được cách lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác bằng hình thức lừa tuyển CTV bán bản vẽ thiết kế thi công công trình.
Từ khoảng tháng 8/2021 đến nay, Hải tổ chức, lôi kéo, chỉ đạo nhiều người khác, thành lập các nhóm rồi hướng dẫn cách thức hoạt động, phân công nhiệm vụ cho các nhóm thực hiện tội phạm.
Bằng thủ đoạn trên Hải và đồng phạm đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng trăm người, chiếm đoạt số tiền hơn 9 tỉ đồng. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố 42 bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Rửa tiền”.
Không tùy tiện cung cấp thông tin cá nhân
Theo cán bộ Phòng CSHS Công an tỉnh Hà Tĩnh, quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn có một số khó khăn, vướng mắc.
Tội phạm đã lợi dụng những thành tựu của khoa học công nghệ để hoạt động phạm tội với thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
“Khó khăn lớn nhất của loại tội phạm này là tính ẩn danh, ở đâu có kết nối Internet thì đối tượng đều có thể thực hiện hành vi phạm tội dẫn đến công tác điều tra, xử lý gặp nhiều khó khăn. Phần lớn hệ thống máy chủ được thuê đặt tại nước ngoài.
Các đối tượng quản trị sử dụng thông tin giả và không có thông tin cụ thể, thông tin tài khoản ngân hàng cá nhân, thông tin sử dụng mạng Internet, sử dụng số điện thoại “rác” dẫn đến việc xác định danh tính đối tượng gặp nhiều khó khăn”, cán bộ Phòng CSHS Công an tỉnh này cho biết.
Phòng CSHS Công an tỉnh Hà Tĩnh cảnh báo, người dân tuyệt đối không tùy tiện cung cấp thông tin cá nhân (họ tên, ngày tháng năm sinh, số CCCD, số tài khoản ngân hàng, số điện thoại, mật khẩu đăng nhập các ứng dụng…) cho bất kỳ ai nếu không có mối quan hệ. Hạn chế công khai các thông tin cá nhân trên mạng xã hội (Facebook, Zalo…).
Tuyệt đối không chuyển tiền vào bất cứ tài khoản ngân hàng nào khi không biết rõ của ai, lý do, mục đích chuyển tiền hoặc nếu không có xác nhận trước với người nhận.
Kỳ tới: Cuộc chiến trên mạng, trinh sát công nghệ 'đấu trí' với tội phạm trình độ cao