Từ ngày 22-28/4, tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài sẽ diễn ra triển lãm Tụ của 7 họa sĩ: Phùng Văn Tuệ, Phạm Văn Trọng, Nguyễn Hùng Cường, Phạm Đình Tùng, Lương Văn Tiến, Nguyễn Quang Hoan, Nguyễn Đinh Duy Quyền.

Tác phẩm của hoạ sĩ Phạm Văn Trọng.

Sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn Hải Dương, quen với lũy tre làng, gốc rạ, bờ đê… hoạ sĩ Phạm Văn Trọng đi tìm cái đẹp tại nơi mình sống. Mỗi tác phẩm anh đều muốn tái hiện hình ảnh, thước phim từ nhỏ đã được trải nghiệm, dù là tác phẩm về phong cảnh hay tĩnh vật. 

“Những gì tôi thể hiện lên các tác phẩm là phản chiếu con người của tôi đối với nơi tôi sống, nơi đã vụt xa, xa lắm rồi, là hoài niệm một thời đã qua. Triển lãm lần này, tôi mong chia sẻ con người của tôi tới một vài người, thế là hạnh phúc lắm rồi”, hoạ sĩ Phạm Văn Trọng chia sẻ.

Tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Hùng Cường.

Hoạ sĩ Nguyễn Hùng Cường sẽ mang tới triển lãm loạt tranh khai thác cảm xúc của con người thông qua sắc thái, ngôn ngữ cơ thể. Những khuôn mặt, cặp kính là hình tượng xuyên suốt các bức tranh lần này của anh. 

Tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Quang Hoan.

Hoạ sĩ Nguyễn Quang Hoan mang tới người xem các tác phẩm về đề tài phong cảnh, thiên nhiên, cỏ cây hoa lá từ đồng bằng đến vùng cao. Người xem sẽ cảm nhận được rõ ràng sự bình yên, thoáng đãng và dung dị của đời sống thông qua nét cọ của anh.

Tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Đinh Duy Quyền.

Hoạ sĩ Nguyễn Đinh Duy Quyền theo đuổi dòng tranh hiện thực, có chút siêu thực. Anh sẽ trưng bày các tác phẩm hiện thực từng được trưng bày trong triển lãm cá nhân mang tên Hiện thực qua đôi mắt tổ chức năm 2016 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tranh của hoạ sĩ Phạm Đình Tùng.

Hoạ sĩ Phạm Đình Tùng chia sẻ, đứng trước phong cảnh nhiều miền đất, anh cảm nhận được sợi dây vô hình gắn kết khăng khít giữa thiên nhiên, con người và văn hóa. Tất cả những yếu tố đó hòa quyện, gắn bó, tạo thành nét đặc sắc rất riêng trong bản sắc của mỗi vùng miền. Kết hợp cùng không gian của trí tưởng tượng được cắt xén hình học mang đậm xúc cảm, người xem cảm nhận thấy những cặp tương phản (thực mà hư, hư mà thực, vô lý mà hợp lý…) trong các tác phẩm.

Tác phẩm của hoạ sĩ Phùng Văn Tuệ.

Hoạ sĩ Phùng Văn Tuệ luôn tìm tòi tạo ra những tác phẩm dựa trên nhận thức của cảm xúc nội tâm bằng ngôn ngữ trường phái hội họa biểu hiện trừu tượng. 

“Mọi thứ sẽ qua đi theo quy luật tự nhiên cùng thời gian, tôi muốn lưu giữ lại những khoảnh khắc chuyển động trong cuộc sống hàng ngày đang diễn ra xung quanh chúng ta trên bề mặt tranh. Đó là sản phẩm cảm xúc của những tháng ngày đã qua và ở đó nó có cuộc sống riêng của sự tự do trong nghệ thuật. Tôi mong muốn chia sẻ tác phẩm đến với các bạn yêu nghệ thuật để cho cuộc sống tươi đẹp hơn”, hoạ sĩ Phùng Văn Tuệ chia sẻ.

Tranh của hoạ sĩ Lương Văn Tiến.

Lương Văn Tiến thường được biết tới là một hoạ sĩ hiếm hoi sử dụng bột màu với các bức vẽ tĩnh vật đầy tình cảm nhưng lần này anh đặt mình vào thách thức mới. Vẫn sử dụng bột màu, trường phái hiện thực nhưng Lương Văn Tiến đã rút tỉa tới mức gần như tối giản, các đối tượng trong tranh chỉ còn là những gợi ý và liên tưởng, vừa quen thuộc vừa lạ lẫm.