Đó là các huyện, thị TP gồm: huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa (Thanh Hóa), TP Chí Linh (Hải Dương), Cẩm Xuyên, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, TX Cửa Lò (Nghệ An), theo thông tin từ Trung tâm Lao động ngoài nước.

Trước đó vào kỳ thi đầu năm 2023, lao động tại 8 địa phương trên bị tạm dừng tuyển lao động đi Hàn Quốc do có trên 70 người cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, trên 27% lao động hết hạn hợp đồng không về nước. 

Tuy nhiên, đến nay Việt - Hàn cùng thống nhất không áp dụng chính sách này vào kỳ thi năm nay do các địa phương đã giảm được tỷ lệ cư trú bất hợp pháp dưới mức cam kết.

Thời gian đăng ký dự thi ngày 26-30/1 và kỳ kiểm tra năng lực tiếng Hàn từ ngày 5/3-14/6, áp dụng với lao động cả nước. Song các bên sẽ rà soát kỹ, loại trừ thí sinh có thân nhân là bố mẹ, vợ chồng, con cái hoặc anh chị em ruột đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

han-quoc-xkld.jpeg
Ảnh minh hoạ 

Kỳ thi dự kiến lấy hơn 15.400 lao động trúng tuyển đi làm việc tại nhiều ngành nghề, cụ thể sản xuất chế tạo hơn 11.200 người, xây dựng 200, nông nghiệp gần 900 và ngư nghiệp khoảng 3.000 người.

Chương trình EPS (chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài) có đặc thù là chủ doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ chọn lao động dựa trên hồ sơ được giới thiệu ngẫu nhiên mà không chỉ định, không ai tác động được tới quy trình ký kết hợp đồng. 

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) lưu ý người lao động cần cảnh giác trước thông tin tuyển chọn thuộc nhóm ngành dịch vụ, vì hiện nay Hàn Quốc có kế hoạch tiếp nhận người làm việc nâng hạ, bốc dỡ hàng hóa nhưng phía Việt Nam chưa phái cử đi. 

Hiện Trung tâm Lao động ngoài nước cũng là nơi duy nhất phối hợp Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) tuyển chọn và đưa người đi làm việc theo chương trình EPS.

Việt Nam đang có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc khi tỷ lệ trốn ở lại là 34,5% trong 9 tháng đầu năm, trong khi cam kết với Hàn Quốc chỉ là 28%.