8 trường này gồm: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Trường Sư phạm (Trường ĐH Vinh), Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, Trường ĐH Sư phạm Huế, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), ĐH Quy Nhơn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, trường sẽ căn cứ vào số lượng thí sinh dự thi để tổ chức 1 hoặc 2 đợt, dự kiến vào đầu tháng 5. Trong trường hợp có nhiều thí sinh đến từ các khu vực xa Hà Nội, kỳ thi có thể được tổ chức ở nhiều điểm nhưng sẽ cùng ngày, cùng giờ.

Về cấu trúc đề thi, ông Minh cho biết, cơ bản vẫn không thay đổi với 8 môn thi: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí.

Cấu trúc các bài thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2023

Đề thi bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận với mục tiêu đánh giá năng lực học sinh ở mức độ thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Các câu hỏi có nội dung thuộc chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, được giảng dạy ở trường THPT theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

“Điều chúng tôi quan tâm nhất là đề thi, từ khâu ra đề, chuẩn hóa đề, in sao, bảo mật… phải làm cực kỳ cẩn thận. Thêm nữa, việc tổ chức cũng phải gọn nhẹ, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Với đề thi này, thí sinh cần nắm chắc kiến thức THPT và không cần đi học thêm”, ông Minh nói.

Năm 2023, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội dự kiến tuyển 20-30% chỉ tiêu từng ngành. Số chỉ tiêu còn lại vẫn sử dụng 4 phương thức tuyển sinh tương tự năm trước: xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển thẳng học sinh tham gia các đội tuyển học sinh giỏi, học sinh trường chuyên, có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế; xét học bạ THPT; xét kết hợp học bạ và kết quả thi năng khiếu với một số ngành.