Hậu Giang là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 4% dân số toàn tỉnh, chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer, Hoa và dân tộc Chăm.

Thực hiện Dự án 7 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, Sở Y tế tỉnh Hậu Giang đã xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện nội dung Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc dự án này.

W-dan-toc-cham-vnn.jpg
Phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe. Trong ảnh là phụ nữ dân tộc Chăm. 

Theo kế hoạch, giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025, Dự án 7 tại Hậu Giang được bố trí nguồn kinh phí hơn 176 triệu đồng (gồm ngân sách Trung ương và địa phương) cho 4 năm thực hiện.

Kế hoạch nhằm mục tiêu cải thiện sức khỏe của người dân tộc thiểu số về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ; Tăng cường công tác y tế cơ sở để đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; Tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Sở Y tế tỉnh Hậu Giang cho biết nội dung này được thực hiện hướng tới mục tiêu là người dân tại xã Xà Phiên và xã Lương Nghĩa (huyện Long Mỹ); Trung tâm Y tế huyện Long Mỹ, Trạm Y tế xã Lương Nghĩa và Phòng khám Đa khoa khu vực Xà Phiên. Cùng đó, cán bộ y tế, dân số Trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã, viên chức dân số xã; tổ y tế ấp, cộng tác viên dân số cũng là đối tượng được thụ hưởng dự án. 

Hậu Giang đặt mục tiêu trong giai đoạn 2022-2025, các xã có triển khai can thiệp tại khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, mỗi chỉ tiêu chuyên môn sẽ tăng thêm 5% sau mỗi năm.

Cụ thể, năm 2023, 55% nam, nữ thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; 55% bà mẹ mang thai được tầm soát, sàng lọc trước sinh; 65% trẻ sơ sinh được tầm soát, sàng lọc sơ sinh.

Cùng đó, năm 2023, 85% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm tại các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tăng lên 90 và 95% vào năm 2024 và 2025. Tỷ lệ người sử dụng dịch vụ dân số, kế hoạch hóa gia đình tại các xã có triển khai chiến dịch tại khu vực III và II thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt từ 65-71%.

Như vậy, các chỉ tiêu Hậu Giang đặt ra cao hơn chỉ tiêu chung theo hướng dẫn Bộ Y tế ban hành. Cụ thể, Bộ Y tế đặt chỉ tiêu trong giai đoạn từ 2021-2025, tại các xã có triển khai can thiệp tại khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi mỗi năm có 25% nam, nữ thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; 20% bà mẹ mang thai được tầm soát, sàng lọc trước sinh và 25% trẻ sơ sinh được tầm soát, sàng lọc sơ sinh.

60% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm tại các xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Tăng thêm 60% người sử dụng dịch vụ dân số, kế hoạch hóa gia đình tại các xã có triển khai chiến dịch tại khu vực III và II thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Phương Thúy và nhóm PV, BTV