- Đêm nhạc Phạm Tuyên "Nhớ và Quên" quen đến mức ai trong số vài nghìn khán giả tới thưởng thức cũng đều thấy có mình ở trong đó. Một đêm nhạc ngập tràn cảm xúc với âm nhạc lúc đằm sâu, lắng đọng lúc tươi mới, tưng bừng...

Cuối năm ai cũng bận rộn, nhưng không ai muốn bở lỡ cơ hội tới dự đêm nhạc “Nhớ và Quên” của nhạc sĩ Phạm Tuyên tại TT Hội nghị quốc gia Hà Nội, để một lần nữa, được sống lại với những ca khúc đã gắn bó với mỗi người trong suốt một chặng đường đời trải dài từ tuổi thơ cho tới trưởng thành.

Ai đó đã nói "tốt nhiều quá có khi lại trở thành khó", điều này dường như đúng với nhạc sĩ Phạm Tuyên, khi ông có quá nhiều ca khúc nổi tiếng từ ca ngợi Đảng, ca ngợi quê hương, đất nước cho tới các địa phương, các nghành nghề…

Điều đó khiến tên tuổi và tác phẩm của nhạc sĩ trở nên quen thuộc và sống trong lòng người nghe nhưng lại thật khó cho đạo diễn cũng như nhà tổ chức khi phải làm sao cho chương trình không quá dàn trải lại cô đọng được chân dung âm nhạc của Phạm Tuyên.

{keywords}
Nhạc sĩ Phạm Tuyên trong đêm nhạc.

Và "bài toán" này đã được đạo diễn Phạm Hoàng Nam, nhạc sĩ Lưu Hà An cùng ê kip "giải" một cách ấn tượng. Đêm nhạc của Phạm Tuyên không nhiều tiết tấu sôi động như nhiều đêm nhạc khác, nhưng bù lại ngập tràn một sắc thái tràn trề tinh thần lạc quan. Mỗi bài hát là một thông điệp cho cuộc sống, tình yêu và quê hương, đất nước.

Bắt đầu bằng những ca khúc thiếu nhi, điều thú vị là những bài hát thiếu nhi nhưng do các đội viên đội Thiếu sinh quân ngày xưa, bây giờ họ đều đã là những ông, bà, nhưng vẫn đeo khăn quàng đỏ và thể hiện thật trong sáng, say mê những giai điệu quen thuộc về tuổi thơ như: Tiến lên đoàn viên, Hành khúc đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

Ngay sau đó, là chùm hai bài hát về Đảng: Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng, Đảng đã cho ta mùa xuân, để rồi từ đó bắt đầu là những Chiếc gậy trường sơn, Khúc hát ru người mẹ trẻ hay những Hà Nội Điện Biên Phủ, Con kênh ta đào hay Như có Bác trong ngày đại thắng, cho tới Gửi nắng cho em, Lời ru của đêm, thậm chí ngay cả những ca khúc tuyên truyền văn hóa giao thông đã rất quen thuộc Từ một ngã tư đường phố

{keywords}
Nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Tất cả xuất hiện như một câu chuyện từ lịch sử quá trình sáng tác của tác giả, đồng thời cũng liền theo những sự kiện của đất nước. Cuối cùng chương trình được khép lại sau một liên khúc các bài hát thiếu nhi rất nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Tuyên như: Chú voi con ở bản Đôn, Tiếng chuông và ngọn cờ, Gặp nhau giữa trời thu Hà Nội…

Không ít lần khán giả đã vỗ tay theo nhịp của những bài hát. Có thể nói, việc mở đầu và kết thúc đều là những ca khúc dành cho thiếu nhi cũng là cách để tạo được điểm nhấn cho chương trình khi Phạm Tuyên đã được công chúng yêu mến và gắn với biệt danh nhạc sĩ của tuổi thơ.

Nhạc sĩ Giáng Son chia sẻ đây là đêm nhạc thật tuyệt vời. "Các ca sĩ, ban nhạc, bản phối... đều hết sức tinh tế, nâng niu những bài hát gắn liền với ký ức tuổi thơ của bao thế hệ. Ít thấy chương trình nào 11h30 đêm chương trình mới kết thúc mà các khán giả vẫn chưa muốn về vì vẫn đang phiêu với âm nhạc", nhạc sĩ Giáng Son nói.

Nhạc sĩ Giáng Son cũng chia sẻ thêm, cái hay ở phần âm nhạc là phối khí, cho dù các nhạc sĩ đảm nhận việc phối khí đã đưa vào hơi thở mới nhưng quan trọng nhất là nó vẫn đảm bảo giữ đúng tinh thần của bài, lại tôn được giọng hát của nghệ sĩ lên.

Có lẽ ít chương trình nào có nhiều nghệ sĩ tham gia đến như vậy, có thể nói là đủ các giọng ca hàng đầu ở Hà Nội như: NSND Trung Kiên, NSND Trần Hiếu, NSND Thanh Hoa, ca sĩ Thanh Lam, Lan Anh, Tùng Dương, Việt Hoàn, Đăng Dương… Thậm chí Trọng Tấn chỉ xuất hiện khiêm tốn ở vai trò hát tam ca trong cả hai lần xuất hiện trên sân khấu. Lần một là Trọng Tấn xuất hiện cùng hai giọng ca Đăng Dương, Việt Hoàn. Đây cũng là lần rất hiếm hoi đủ cả bộ ba tam ca hàng đầu tái xuất hiện.

Còn lần hai, Trọng Tấn cùng với Thanh Lam và Lan Anh hát tam ca bài "Nhớ và Quên". Trong khi, NSND Trần Hiếu cũng chỉ xuất hiện với tư cách hát song ca trong chùm bài về thiếu nhi chứ không xuất hiện với tư cách hát đơn ca.

Điểm nhấn là câu chuyện khá thú vị của chị Phạm Hồng Tuyến rất tự nhiên và đầy chất ngẫu hứng khi chị được nhà báo Lại Văn Sâm, MC của chương trình mời ra trò chuyện sau khi mọi người vừa được thưởng thức giọng hát của chị trong bài “Trường của cháu đây là trường Mầm Non” qua do chị hát cách đây hơn 40 năm, lúc còn là học sinh mẫu giáo. Hồng Tuyến chia sẻ khi các cô giáo biết bố là nhạc sĩ nổi tiếng đã bảo con về bảo bố sáng tác một bài cho trường.

Bài hát Cô và mẹ cùng với Cả tuần đều ngoan cũng là những sáng tác mà nhạc sĩ Phạm Tuyên viết cho các trường nơi con gái út Hồng Tuyết. Bài hát Tiễn thầy lên đường cũng được nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác sau khi con gái đi học về kể với bố về chuyện một thầy giáo chuẩn bị lên biên giới phía Bắc chiến đấu bảo vệ biên cương.

Clip nhạc sĩ Phạm Tuyên đệm đàn cho con gái hát "Tiễn thầy lên đường".

Chị Hồng Tuyến chi sẻ thêm một chi tiết khà thú vị, người thầy giáo sau đó đã không phải đi lên tiền tuyến nữa nhưng ca khúc nhanh chóng có một đời sống riêng và phổ biến rộng rãi khắp Hà Nội lúc bấy giờ, cách nay 38 năm.

Chương trình Phạm Tuyên "Nhớ và Quên" kéo dài tới gần 12 giờ đêm đã đem lại những cảm giác đặc biệt khác nhau nhưng đó mới chỉ là một phần gia tài âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Tuyên được giới thiệu. Vẫn còn rất nhiều bài nổi tiếng của ông không được giới thiệu trong đêm nhạc, chẳng hạn như: Màu cờ tôi yêu (thơ Diệp Minh Tuyền), Đêm cha lo, Bài ca người thợ mỏ, Bài ca người thợ rừng, Bám biển quê hương, Thành phố mười mùa hoa (thơ Lệ Bình), hay bài hát thiếu nhi Cánh én tuổi thơ…

Nhà phê bình Nguyễn Quang Long
Clip: Sơn Hà