- Tôi gọi những hiện tượng tranh cướp bia, hôi của, cướp hoa, và gần đây nhất là chen lấn vượt rào là những cơn “lệch chuẩn tập thể”. Nói là “cơn”, vì vốn dĩ nếu chỉ có mình họ trong điều kiện khác, thì có lẽ từng người họ không làm vậy…

Như trong vụ cướp bia ở Đồng Nai, có thể nhiều người biết là sai nhưng nhìn quanh ai cũng lấy bia nên “tặc lưỡi”: Không lấy thì thiệt. Trong việc đám đông trèo rào ở Công viên nước Hồ Tây, tôi nghĩ đơn giản là mọi người ham vui, giữa không khí náo nhiệt ai cũng trèo rào thì chuyện quy tắc không còn quan trọng. Đó vừa là ảnh hưởng của tâm lý đám đông, vừa do cộng đồng đã quen với những sự phá lệ.

Theo tôi, có ba điều chủ yếu khiến mọi người dễ bị cuốn vào cái lệch chuẩn của số đông:

Thứ nhất là sự đổ lỗi/ từ chối trách nhiệm đạo đức: Tôi làm do tình thế ép buộc, có lý do chính đáng, không chỉ mình tôi mà ai cũng làm... Không phải chịu trách nhiệm là một lý do rất hấp dẫn để làm những điều mà bình thường mình không dám làm.

Thứ hai là sự tập nhiễm/xã hội hóa: Quy chuẩn đạo đức là thứ được tiếp nhận từ xã hội, để giúp con người hòa nhập. Nghĩa là, số đông có áp lực mạnh đến chuẩn mực cá nhân – khi bạn làm theo số đông thì bạn đúng.

Thứ ba là bản chất con người và kiểm soát xã hội. Khi thiếu đi sự kiểm soát bằng luật pháp, quy chế, bộ phận an ninh hay đơn giản là một cái nhìn tẩy chay của cộng đồng trước hành động xấu… thì bản năng xấu bộc phát là đương nhiên.

Thói quen tặc lưỡi “đạo đức là lý thuyết thôi mà”

Tôi thấy ai cũng rất dễ đánh mất mình trong tâm lý đám đông. Nhưng nếu hiểu được điều đó, biết rằng đám đông không phải lúc nào cũng đúng thì mỗi người sẽ tỉnh táo hơn.

Có lẽ cái chúng ta cần là sự tỉnh táo để nhận ra có cái gì đó “sai sai” và niềm tin vào quy chuẩn của bản thân để từ chối những hành động không đúng với chuẩn của mình.

Nói riêng về giới trẻ, giáo dục đạo đức hẳn cũng tác động mạnh đến sự vững vàng của mỗi người trong đám đông.

Thế nhưng, tôi thấy các môn học như đạo đức, giáo dục công dân thường quá lý thuyết, bởi vì môn học chỉ dạy chúng tôi lý thuyết và cách giải tình huống dựa trên sách vở, chứ không tác động đến nhận thức, thái độ, để học sinh thực sự “ngấm” những chuẩn mực.

Ví dụ học về Trung thực ở trường THPT, chúng tôi được học thuộc khái niệm Trung thực, biểu hiện của Trung thực, và làm những bài tập sao cho đúng giáo án. Vô tình, điều đó càng khiến các chuẩn mực đạo đức trở thành phi thực tế. Để đến khi băn khoăn nên làm theo chuẩn đạo đức hay làm theo cái người khác đang làm, thì mình chặc lưỡi: “Đạo đức là lý thuyết thôi mà”.

Đừng để bị đám đông dẫn dắt

Trở lại câu chuyện về Công viên nước, rốt cục không ai bị thương vì trèo hàng rào và mọi người cảm thấy vui vẻ, đúng là có thể thở phào. Thế nhưng nói đi nói lại vẫn là không nên.

Để tự bảo vệ mình hoặc tự giúp mình giảm thiểu thấp nhất hậu quả của các hành vi do vô thức đám đông, thì đừng để đám đông dẫn dắt. Dù trong tình huống nào thì mình vẫn luôn có lựa chọn, và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về lựa chọn đó. Làm thế nào để sau cơn lệch chuẩn tập thể vẫn thấy mình “chuẩn” là được.

“Vì mình đông – nên mình đúng” – suy nghĩ ấy có thể đẩy mỗi cá nhân trong tập thể đến những hành động nguy hiểm vượt ra ngoài chuẩn mực mà mình có thể đánh giá đúng – sai. Vì vậy theo tôi, chỉ có cách mỗi người đặt cái nhìn ra ngoài đám đông để đánh giá trước khi quyết định hòa vào nó.

Không nên đánh giá con người mà chỉ nên đánh giá hành động. Hành động có lúc sai không có nghĩa là con người xấu. Hành động đẹp một khoảnh khắc không có nghĩa con người không bao giờ làm sai.

  • Nguyễn Lương Diệu An

(Sinh viên Khoa Xã hội học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội)