- Vũ Đỗ Khanh đã có những chia sẻ thú vị về cuộc sống ở Oxford, kinh nghiệm viết luận cũng như dự định “quay trở về” của mình.

{keywords}
Vũ Đỗ Khanh, sinh năm 1992, hiện đang theo học chương trình Thạc sĩ Chính sách công, Trường Quản lý Nhà nước Blavatnik, ĐH Oxford. Ảnh: NVCC

Lên kế hoạch xin học bổng du học từ năm nhất đại học, sau khi tốt nghiệp khoa Đông Phương học, ĐH Khoa học, xã hội và nhân văn, Vũ Đỗ Khanh đã sở hữu một bảng thành tích hoạt động ngoại khóa đáng nể.

Cùng lúc, Khanh nhận học bổng của cả 2 ngôi trường danh giá nhất nhì thế giới - ĐH Harvard và ĐH Oxford. Khanh chọn chương trình Thạc sĩ Chính sách công, Trường Quản lý Nhà nước Blavatnik, ĐH Oxford để theo học.

Khanh chia sẻ, ngay từ đầu em chưa đặt mục tiêu cho bản thân là Oxford hay Harvard, mà bắt đầu từ những trường vừa tầm trước, sau đó em nâng dần mục tiêu theo chất lượng “profile” cá nhân mà mình xây dựng được.

“Trước khi đến Oxford, em rất thích hai cuốn sách là “Introduction to Political Philosophy” của GS. Jonathan Woff và “The Bottom Billion” của GS. Paul Collier. Em quyết định chọn Oxford cũng một phần vì biết cả hai GS sẽ giảng dạy em trong chương trình học. Và quả thật được “chém gió” với GS. Woff trong lớp học thú vị hơn đọc sách của ông nhiều” – chàng trai sinh năm 1992 chia sẻ sau khi đã trải nghiệm cuộc sống của Oxford được một học kỳ.

{keywords}

Khanh và nguyên Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ - Michael Chertof. Ảnh: NVCC

Khanh nói, mạng lưới sinh viên, cựu sinh viên của Oxford cũng chiếm số lượng áp đảo trong các ngành về chính trị, ngoại giao. “Đây là một mạng lưới hỗ trợ rất hữu ích cho em sau này. Hồi tháng trước khi em đến tham dự một chương trình tại Quốc hội Anh thì phát hiện cả phòng toàn cựu sinh viên Oxford. Ngay cộng đồng sinh viên trong lớp em cũng đã rất ấn tượng, ngoài đám bạn cùng lứa cực giỏi thì lớp em còn có cả cựu Bộ trưởng của Georgia và cả thần đồng tốt nghiệp ĐH năm 18 tuổi”.

Cuối cùng, lý do khiến Khanh “mê mẩn” Oxford là yếu tố văn hóa. “Em cảm thấy phù hợp hơn với lối tư duy “result oriented” (chỉ quan tâm đến kết quả) của Oxford hơn là cách tư duy “process oriented” (quan tâm đến quá trình) như nhiều trường khác hay áp dụng”.

Đừng “kể khổ” trong bài luận

{keywords}

Khanh là một trong 7 thành viên Ban Chủ tịch Hội sinh viên Trường Quản lý Nhà nước Blavatnik, Đại học Oxford. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về kinh nghiệm chuẩn bị “profile” cá nhân, Khanh cho biết, em đầu tư rất nhiều công sức cho bài luận và bài nghiên cứu. Thư giới thiệu của em cũng được viết bởi những cá nhân rất có ảnh hưởng trong ngành học của mình.

Bài luận ngắn về bản thân, em viết đơn giản và vào thẳng đề bài lý do em muốn học Chính sách Công tại Oxford là để tìm hiểu lý do vì sao các quốc gia thất bại và những cách để quản lý nhà nước một cách hiệu quả hơn. Ở bài nghiên cứu mẫu (sample research paper), Khanh phân tích về chính sách quản trị khủng hoảng của EU trong vấn đề người nhập cư.

“Những điểm nhấn như bài luận về bản thân nên viết về những giá trị của bản thân và tiềm năng phát triển chứ đừng sa đà vào motif “kể khổ" vì nếu các bạn than nhiều là đã tự làm thấp giá trị và khả năng giải quyết vấn đề của bản thân” – Khanh đưa lời khuyên.

“Các bài nghiên cứu mẫu hoặc đề xuất nghiên cứu nếu phải nộp thì các bạn nên tìm hiểu về “profile” và hướng nghiên cứu của các giáo sư trong trường (thường sẽ có trên website) để viết về các chủ đề họ hứng thú, từ đó sẽ tăng khả năng cao bạn được nhận hơn. Nếu các bạn viết về một chủ đề dù rất hay, viết xuất sắc, nhưng đề tài đó lại không phù hợp với hướng nghiên cứu của bất kỳ giáo sư nào trong trường thì khả năng bạn được nhận sẽ rất thấp, bởi nếu bạn có được nhận thì trường cũng sẽ không phân được ai hướng dẫn cho bạn cả”.

“Về thư giới thiểu thì người viết thư giới thiệu cho bạn cần phải làm trực tiếp hoặc liên quan đến ngành nghề bạn học thì mới khiến cho thư giới thiệu đó có sức nặng. Ví dụ như nộp đơn cho ngành Quan hệ quốc tế thì thư giới thiệu của một Nhà Vật lý học đoạt giải Nobel cũng không có sức ảnh hưởng bằng của một cán bộ ngoại giao bình thường” – Khanh nói.

{keywords}

Chụp cùng Chủ toạ các nhóm thảo luận khác trong "Hội nghị Mô phỏng Liên Hiệp Quốc" tại ĐH Oxford (Oxford International Model United Nations). Ảnh: NVCC

Choáng ngợp với Oxford “sang chảnh”

Khanh kể, cuộc sống hiện tại của em ở Oxford xoay quanh việc học và hoạt động ngoại khóa. Buổi sáng em đi học các môn lý thuyết từ 9h đến 13h. Buổi chiều tham gia thảo luận nhóm và giải các tình huống (case study) về chính sách kinh tế, quản lý nhà nước, chính trị, ngoại giao... Tới 17h học xong thì tranh thủ chạy nhanh về nhà thay đồ ăn diện để tối đi dự các sự kiện hoặc đi luyện tập tranh luận. Tối 21h em đi chơi với đám bạn hoặc lên thư viện làm bài.

{keywords}

Tiệc trà với Hiệu trưởng ĐH Oxford, Giáo sư Louise Richardson. Ảnh: NVCC

Một điều mà em rất thích ở Oxford là có hơn 400 CLB và hội nhóm sinh viên nên gần như không tối nào mà em không tham dự một sự kiện gì đó thú vị gì đó. Nhờ tham gia tích cực một số hội nhóm nên tuy là người mới nhưng em đã được chọn là một trong các chủ tọa nhóm thảo luận ở Hội nghị Mô phỏng Liên hiệp quốc tại ĐH Oxford (Oxford International Model United Nations).

“Trong học tập, các Giáo sư đặt yêu cầu rất cao ở sinh viên. Trong kỳ vừa rồi em học 4 môn là: Triết học, Kinh tế học, Nghiên cứu Chiến lược, và Đàm phán Chính sách. Trung bình mỗi tuần phải đọc hơn 600 trang tài liệu (từ 2-3 quyển sách), viết 2 bài luận dài (5000 chữ), thực hiện 4 bài phân tích tình huống (case studies) và làm 4 bài test online ngắn”.

“Mỗi sinh viên đều có 3 người hỗ trợ việc học và định hướng nghề nghiệp (Supervisor, Academic Advisor, và Professional Mentor). Em rất may mắn khi Supervisor và Academic Advisor của em đều là hai giáo sư rất có uy tín trong ngành, còn Professional Mentor là ông Mark Lowcock - Thứ trưởng Bộ Phát triển Quốc tế Anh Quốc”.

Chàng trai năng động này chia sẻ, dù không bị “sốc văn hóa”, nhưng em bị choáng ngợp bởi độ “sang chảnh” của Oxford. “Ở đây cái gì cũng đắt tiền và sang. Trường học xây như lâu đài, tất cả sự kiện đều có tiệc rượu và bữa ăn hằng ngày thì y như nhà hàng. Oxford cũng có cả đống nghi lễ phức tạp kiểu cách”.

{keywords}

Khanh tham dự sự kiện tại Quốc hội Anh. Ảnh: NVCC

Tuy vậy, Khanh cho rằng mình rất hợp với văn hóa Oxford, nên đến đây em “như cá gặp nước”. Em thích nghi gần như ngay lập tức, vì đây không phải là lần đầu tiên em sống trong môi trường quốc tế. Từng tham gia và tổ chức rất nhiều chương trình giao lưu quốc tế, giao lưu văn hóa nên Khanh đã được tiếp xúc với nhiều bạn bè tới từ nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời giúp em có cái nhìn rộng và thoáng hơn về nhiều nền văn hóa.

May mắn được làm việc cùng nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh trong 1 năm ở các dự án của Quỹ Hoà bình và Phát triển TP.HCM, Khanh cho biết đã học được rất nhiều từ kinh nghiệm và đức tính của cô. “Đặc biệt là cách làm việc có kế hoạch và quan tâm cẩn thận đến từng chi tiết. Trước đây, em làm việc khá cảm tính và hay chểnh mảng những việc nhỏ”. Khanh cho biết, cô cũng là người truyền cảm hứng cho em nhiều nhất.

Chia sẻ về dự định sau khi ra trường, chàng trai tài năng này cho biết muốn quay về Việt Nam, đóng góp sức mình cho sự phát triển của đất nước. “Ngoài ra, vì em có học bổng nên không phải chịu gánh nặng đi làm để hoàn lại chi phí như nhiều bạn du học sinh khác nên em khá thoải mái với việc quay về Việt Nam. Tuy nhiên em sẽ làm việc cho một số tổ chức quốc tế một thời gian để lấy kinh nghiệm trước khi về nước”.

Khanh mong muốn được làm công việc tư vấn chính sách cho các cơ quan Nhà nước và trở thành một người có sức ảnh hưởng tích cực ở Việt Nam.

- Học bổng toàn phần chương trình Thạc sĩ Chính sách công, Trường Quản lý Nhà nước Blavatnik, ĐH Oxford

- Học bổng ĐH Harvard

- Học bổng trường Graduate Institute Geneva

- Chủ tọa điều phối thảo luận trong "Hội nghị Mô phỏng Liên Hiệp Quốc" tại ĐH Oxford (Oxford International Model United Nations) (2016)

- Giám khảo cuộc thi "Tranh luận Liên trường Đại học" tại ĐH Oxford (Oxford Inter-Varsity Debating Competition) (2016)

- Thành viên đội Debate (tranh luận) ĐH Oxford (2016)

- Giải nhất cuộc thi Hùng biện tiếng Anh nhân dịp Kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Vương Quốc Anh do Đại sứ Quán Anh tổ chức (2013)

- Thành viên sáng lập và Phó Chủ nhiệm CLB Giao lưu Quốc tế IEC, ĐH KHXH&NV TP.HCM (2012 - 2014)

- Thành viên sáng lập và Phó Ban Tổ chức Chương trình Giao lưu Thanh niên Việt Nam - Nhật Bản (Vietnam - Japan Youth Exchange) (2013 và 2014)

- Thành viên Ban tổ chức Hội thảo về Sử dụng Bền vững nguồn nước Sông Mê Kông (2016)

- Thành viên Ban Biên soạn sách Guidebook "Các tổ chức Hoạt động trong lĩnh vực Biến đổi Khí hậu và Phát triển bền vững tại Việt Nam", do Quỹ Hoà bình và Phát triển TP.HCM xuất bản (2016)

- Thành viên Ban tổ chức cuộc thi Hùng biện tiếng Anh về văn hoá Việt Nam "Fly my Vietnam" (2010 và 2011)

- Trưởng nhóm Dự án Giáo dục Văn hóa và Nghệ thuật (Project Footprints) tại Chennai, Ấn Độ (2013)

- Đại biểu Diễn đàn Môi trường dành cho Sinh viên Châu Á tại Nhật Bản (2012)

- Đại biểu Hội nghị Thanh niên Đông Nam Á tại Indonesia (2011)

- Trợ lý Chủ tịch Quỹ Hoà bình và Phát triển TP.HCM

- Quản lý Dự án, Hiệp hội Giáo dục và Giao lưu Châu Á (Asia Association of Education & Exchange)

- Thực tập sinh tại KPMG Việt Nam

  • Nguyễn Thảo